Theo đó, đối với dự án đầu tư xây dựng do một chủ đầu tư tổ chức thực hiện có quy mô nhỏ hơn 5ha (nhỏ hơn 2ha đối với dự án đầu tư xây dựng nhà ở chung cư) cho phép lập quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 mà không phải lập quy hoạch chi tiết.
Đối với công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật đơn chức năng như: Trạm bơm tiêu, tưới, trạm cấp nước sạch sinh hoạt, trạm biến áp bằng hoặc trên 110kV, trạm xử lý nước thải tập trung, cơ sở xử lý chất thải rắn, cho phép lập quy hoạch tổng thể mặt bằng tỷ lệ 1/500 mà không phải lập quy hoạch chi tiết. Việc xin ý kiến của chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư có liên quan thực hiện theo quy định của đồ án quy hoạch chi tiết.
Mặt khác, đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế, khu công nghệ cao trên địa bàn thành phố tuân thủ theo quy định tại Thông tư số 19/2008/TT-BXD ngày 20/11/2008 của Bộ Xây dựng hướng dẫn thực hiện việc lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng khu công nghiệp, khu kinh tế và các quy định khác có liên quan theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó với đồ án quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, việc triển khai nhiệm vụ và đồ án được UBND TP giao các sở, ngành hoặc các cơ quan, tổ chức có chức năng quản lý chuyên ngành tổ chức triển khai lập, thẩm định và trình cấp thẩm quyền phê duyệt theo quy định, đảm bảo sự đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật đô thị…
Trên cơ sở Luật Quy hoạch đô thị, TP Hà Nội xác định các loại hình quy hoạch: Quy hoạch chung được lập cho thị trấn, thị xã, các đô thị (đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái); quy hoạch phân khu được lập cho các khu vực trong đô thị (đô thị trung tâm, các khu vực phát triển đô thị tại đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái và thị xã); quy hoạch chi tiết được lập cho khu vực theo yêu cầu phát triển, quản lý đô thị hoặc nhu cầu đầu tư xây dựng gồm khu vực đặc thù, khu đô thị, khu chức năng đô thị (kể cả khu vực hai bên tuyến đường), khu dân cư làng xóm hiện có thuộc khu vực phát triển đô thị. |
Theo Hà Nội mới