Đồng chí Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Sở Xây dựng hoàn chỉnh dự thảo theo hướng: thời hạn sử dụng nhà ở riêng lẻ ghi trong giấy phép xây dựng tạm là thời gian theo kế hoạch sử dụng đất của địa phương. Theo đó, trong vòng 3 năm kể từ ngày công bố kế hoạch sử dụng đất mà Nhà nước thu hồi đất để thực hiện quy hoạch thì không được bồi thường, hỗ trợ phần nhà xây dựng trên đất. Sau 3 năm nhà nước mới thực hiện thì người dân được bồi thường, hỗ trợ theo quy định hiện hành. Như vậy, thời hạn để tính hỗ trợ, đền bù đối với nhà được CPXD tạm được rút ngắn 2 năm so với Quyết định 21/2013 và các dự thảo sửa đổi trước đây.
Đối tượng và quy mô được CPXD cũng được TP thống nhất theo hướng: nhà trong khu vực đã có kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện, phù hợp với quy hoạch 1/500 và quy hoạch điểm dân cư nông thôn nhưng chưa có quyết định thu hồi đất; nhà tồn tại trước khi có quy hoạch 1/2000 được phê duyệt và công bố nhưng qua rà soát, điều chỉnh vẫn không phù hợp quy hoạch là đất ở; nhà có giấy tờ hợp pháp nằm trong quy hoạch lộ giới các tuyến đường giao thông, nút giao thông nhưng chưa có quyết định thu hồi đất được xem xét CPXD tạm, quy mô tối đa 3 tầng.
Đối với các trường hợp nhà ở nằm trong khu dân cư hiện hữu không phù hợp với chức năng sử dụng đất theo quy hoạch 1/2000 hoặc thiết kế đô thị nhưng chưa có quyết định thu hồi đất được CPXD đã được TP thống nhất theo kiến nghị của Sở Xây dựng là CPXD cho người dân tối đa 3 tầng. Thực tế hiện nay, các trường hợp này mỗi quận - huyện thực hiện một kiểu, có nơi CPXD chính thức, có nơi CPXD tạm, thậm chí có nơi không CPXD cho người dân.
Chính vì thế, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Hữu Tín nêu rõ: “Đối với các trường hợp nhà nằm trong khu vực có quy hoạch nhưng chưa có quyết định thu hồi đất thì phải CPXD chính thức cho người dân. Không được để quy hoạch “treo” quyền lợi của người dân như hiện nay!”.
Về sửa đổi Quyết định 19/2009 và Quyết định 54/2012 quy định diện tích tối thiểu sau khi tách thửa, TP cũng đã đồng tình chọn phương án 3 mà Sở Tài nguyên - Môi trường đưa ra, đó là: chỉ quy định diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất ở nông thôn và đất ở đô thị. Riêng đất nông nghiệp chỉ quy định diện tích tối thiểu sau khi tách thửa đối với đất nông nghiệp xen cài trong khu dân cư nhằm giải quyết nhu cầu bức xúc về nhà ở cho người dân.
Cụ thể, đối với thửa đất dưới 1.000m², nếu người dân có nhu cầu cho con ra riêng thì giải quyết tách thửa nhằm đảm bảo nhu cầu chỗ ở cho người dân nhưng phải có lối đi chung và lối đi chung này phải là tài sản chung để tránh tranh chấp về sau. Đối với thửa đất từ 1.000 - 2.000m², nếu người dân có nhu cầu tách thửa với mục đích bức thiết về nhà ở thì vẫn được xem xét tách theo hạn mức như quy định đối với thửa đất dưới 1.000m2. Trường hợp hộ gia đình muốn tách thửa để kinh doanh thì phải chuyển mục đích sử dụng đất, làm hạ tầng, đóng nghĩa vụ tài chính… như hình thức làm dự án.
Đồng chí Nguyễn Hữu Tín yêu cầu các sở, ngành hoàn chỉnh theo hướng trên để trình TP ký, ban hành 2 quyết định sửa đổi này trong đầu tuần tới. Liên quan đến việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản gắn liền trên đất (gọi là giấy chứng nhận nhà đất), Sở Tài nguyên - Môi trường đề nghị cấp giấy chứng nhận nhà đất cho các trường hợp: mua suất tái định cư trước ngày 1-7-2004, chuyển nhượng giấy tay không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch…
Đồng chí Nguyễn Hữu Tín yêu cầu Sở Tài nguyên - Môi trường liệt kê các trường hợp vướng mắc hiện nay chưa được cấp giấy chứng nhận nhà đất để UBND TP sẽ trình HĐND TP xem xét, ban hành nghị quyết giải quyết cho người dân.
Theo : Báo SGGP online