Thực hiện Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ, dưới sự chỉ đạo khẩn trương của UBND tỉnh Nam Định, Sở Xây dựng phối hợp với các Sở, ngành, địa phương khảo sát, tổng hợp danh sách và xây dựng “Đề án hỗ trợ người có công cách mạng về nhà ở tỉnh Nam Định”.
Đề án được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 431/QĐ-UBND ngày 14/3/2014, theo đó trên địa bàn tỉnh có 8.101 đối tượng người có công đề nghị hỗ trợ cải thiện nhà ở (trong đó: số hộ thuộc diện xây mới nhà ở là 3.310 hộ, số hộ thuộc diện sửa chữa nhà ở là 4.791 hộ), với tổng số kinh phí hỗ trợ từ Ngân sách Trung ương là 228.220 triệu đồng, từ Ngân sách của tỉnh là 1.141 triệu đồng.
Trong khi đó, theo báo cáo của Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, năm 2014, trước mắt tỉnh Nam Định được cấp 24,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho số người có công khó khăn về nhà ở theo số lượng khảo sát năm 2011 (năm 2011 chỉ có 1.552 hộ) do Đoàn giám sát Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cung cấp.
Để có cơ sở phân bổ vốn khi có nguồn kinh phí hỗ trợ từ Trung ương đảm bảo tính thống nhất và công bằng, Sở Xây dựng đề nghị UBND các huyện, thành phố kiểm tra, rà soát, tổng hợp lập danh sách các đối tượng đề nghị hỗ trợ cải thiện nhà ở tại địa phương.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thành phố phối hợp với các cơ quan, UBND các xã, phường, thị trấn kiểm tra, xác nhận đối tượng người có công trong danh sách hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở theo đúng quy định. Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện việc thẩm tra danh sách, thanh tra, kiểm tra, xử lý các sai phạm trong việc xác nhận đối tượng người có công tại địa phương.
Sở Tài chính cần thẩm định, báo cáo UBND tỉnh danh sách, mức hỗ trợ, nhu cầu kinh phí hỗ trợ về nhà ở cho người có công với cách mạng. Hướng dẫn các huyện, thành phố việc quản lý, cấp phát, thanh toán và quyết toán kinh phí hỗ trợ người có công cách mạng về nhà ở theo quy định.
Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính cân đối, bố trí nguồn vốn ngân sách tỉnh phân bổ cho các địa phương.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp có nhiệm vụ phối hợp với các Sở, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát danh sách các hộ được đề nghị được hỗ trợ theo quy định. Thực hiện, kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện của địa phương đảm bảo đúng đối tượng, mức hỗ trợ. Phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể trong việc huy động các nguồn vốn hợp pháp để xây dựng, sửa chữa nhà ở cho người có công với cách mạng.
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: “Sở sẽ thiết kế mẫu nhà phù hợp với phong tục tập quán, phù hợp với nguồn vốn hỗ trợ và khả năng huy động vốn của đối tượng hỗ trợ, giới thiệu rộng rãi để nhân dân lựa chọn áp dụng”.
Theo Báo Xây dựng điện tử