Theo quy hoạch, Hà Nội sẽ có 23 siêu thị hạng một; hơn 100 siêu thị hạng hai, 865 siêu thị hạng ba và 64 trung tâm thương mại các hạng.
Kinh phí đầu tư được phân bổ bằng nhiều hình thức như liên doanh liên kết nước ngoài, 100% vốn nước ngoài, xã hội hóa vốn trong nước, nguồn vốn ngân sách.
Để Quy hoạch có định hướng phát triển rõ ràng, Sở sẽ đề nghị Thành phố cho tổng điều tra, rà soát số lượng thực tế hạ tầng thương mại trên địa bàn sau hơn hai năm thực hiện.
Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, quỹ đất xây dựng siêu thị, trung tâm thương mại không hoàn toàn là quỹ đất mới, có thể sử dụng diện tích dưới mỗi tầng hầm, tầng trệt các tòa nhà trong khu đô thị.
Đối với khu vực ngoại thành vừa phát triển bán lẻ hiện đại, vừa phối hợp cải tạo chợ truyền thống thành các siêu thị, trung tâm thương mại kết hợp chợ.
Các loại hình bán lẻ cần có nơi và không gian để tiến hành bày bán, tiêu thụ hàng hóa cố định, đồng thời hoạt động mua hàng của người tiêu dùng chủ yếu được thực hiện trong nơi này.
Thống kê cho thấy số lượng siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố Hà Nội đến nay là 135 siêu thị và 28 trung tâm thương mại. Như vậy, so với quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ đến năm 2020, định hướng 2030, Hà Nội sẽ phát triển thêm 864 siêu thị và 36 trung tâm thương mại.
Quy hoạch hệ thống thương mại trên địa bàn thành phố được xây dựng trên cơ sở Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến 2030.
Việc xác định số lượng và quy mô của hệ thống siêu thị dựa trên bán kính và diện tích phục vụ của từng loại hình và quy mô siêu thị, mật độ dân số, quy mô dân số đô thị và diện tích xây dựng đô thị.
Theo dự báo, quy mô dân số của Hà Nội đạt khoảng 9,4 triệu người, mức thu nhập bình quân đầu người đến năm 2020 là 7.500 USD/người/năm, năm 2030 đạt 17.000 USD/người/năm. Tổng mức bán lẻ đến năm 2020 đạt 45,6 tỷ USD (40% bán lẻ hiện đại)./.
Theo : TTXVN/Vietnam+