“Gắn” ga metro với trung tâm thương mại và khu dân cư
UBND TPHCM đang giao Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM nhanh chóng triển khai nghiên cứu tích hợp quy hoạch và thiết kế kiến trúc đô thị dọc xa lộ Hà Nội, khu vực chợ Bến Thành, đường Lê Lợi với việc xây dựng các nhà ga của tuyến metro số 1 Bến Thành-Suối Tiên. Theo ông Nguyễn Đình Hưng, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM, kinh nghiệm phát triển metro của nhiều nước trên thế giới cho thấy, nếu không có sự gắn kết giữa metro và không gian đô thị thì hệ thống metro không thể phát triển, không thu hút khách và ngược lại hệ thống metro cũng không thực hiện tốt mục tiêu chống ùn tắc giao thông cho đô thị. Không là ngoại lệ, công tác mà UBND TPHCM giao Sở Quy hoạch Kiến trúc thực hiện chính là bước đi quan trọng để TPHCM triển khai kế hoạch kết nối giữa hệ thống metro với không gian đô thị mà hệ thống metro đi qua.
Ông Nguyễn Đình Hưng cho biết thêm, nguyên tắc của sự kết nối là “biến” nhà ga metro không chỉ là nơi dừng, đậu, lên, xuống hành khách của hệ thống metro mà còn là một trung tâm thương mại với các khu dân cư xung quanh. Nhà nước bằng quy hoạch, định hướng, bằng các chính sách về kinh tế sẽ tác động để những trung tâm thương mại và các khu dân cư này hình thành. Việc xây dựng ga metro sẽ do Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM, cơ quan chuyên ngành về lĩnh vực này thực hiện, song việc đầu tư xây dựng trung tâm thương mại và các khu nhà ở sẽ được xã hội hóa. Chưa có những nghiên cứu chi tiết nhưng dự kiến các trung tâm thương mại và khu nhà ở sẽ nằm trong bán kính 300 - 500m xung quanh nhà ga metro. Đây là độ dài khá phù hợp cho người dân có thể đi bộ từ nhà đến ga metro, trung tâm thương mại và ngược lại. Tất nhiên, trong các khu dân cư, việc xây dựng vỉa hè sẽ được quan tâm đúng mức để người dân có thể đi bộ. Trong trường hợp người dân ở xa hơn bán kính này, thành phố sẽ nghiên cứu hình thành thêm các tuyến xe buýt ngắn, giúp đưa người dân đến ga metro.
Sẽ có hơn 10 nhà ga, trung tâm thương mại và khu dân cư mới
Theo thiết kế, tuyến metro số 1 sẽ có một nhà ga trung tâm ở khu vực chợ Bến Thành và hơn 10 ga nhỏ khác suốt dọc tuyến. Vì thế, cơ bản sẽ có hơn 10 khu dân cư và trung tâm thương mại hình thành xung quanh các ga này.
Nghiên cứu bước đầu về ga trung tâm (còn gọi là ga thứ nhất, ga đầu tuyến) đã hoàn tất và kết quả này đang được gửi cho các bộ, ngành thẩm định trước khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Ban quản lý đường sắt đô thị TPHCM cho biết, dự kiến nhà ga sẽ nằm gọn sâu dưới công trường Quách Thị Trang, ga xe buýt hiện hữu và một phần Công viên 23-9 khoảng 25m. Nhà ga sẽ có nhiều tầng với tầng thương mại ở trên cùng và các tầng kế tiếp là nhà ga chung của 4 tuyến metro: tuyến số 1, tuyến số 3a (Bến Thành-Tân Kiên), tuyến số 2 (Bến Thành-Tham Lương) và tuyến số 4 (Thạnh Xuân quận 12-Khu đô thị cảng Hiệp Phước). Chợ Bến Thành là một trong những biểu tượng của TPHCM và xung quanh chợ Bến Thành là khu dân cư hiện hữu đã được xây dựng khá hoàn chỉnh nên riêng ở khu vực ga này Sở Quy hoạch Kiến trúc TPHCM không đặt vấn đề chỉnh trang đô thị, hay phát triển thêm khu dân cư mới. Ga thứ hai ở góc đường Nguyễn Huệ, ga thứ ba ở khu vực Ba Son, ga thứ tư ở khu vực Văn Thánh, ga thứ năm ở khu vực cầu Sài Gòn và ga thứ sáu ở khu vực Thảo Điền đều là những ga nằm ở khu đô thị hiện hữu. Tuy nhiên, do cấu trúc các khu đô thị ở các khu vực này còn nhiều vấn đề chưa hoàn chỉnh nên chúng sẽ được nghiên cứu và chỉnh trang cho phù hợp hơn với các ga metro.
Từ ga thứ bảy cho đến ga cuối, công tác quy hoạch và thu hút đầu tư xây dựng đô thị mới kết nối với các nhà ga này sẽ được tập trung thực hiện do đô thị ở các khu vực này chưa phát triển.
Theo Sài Gòn Giải Phóng