Bên cạnh những lợi thế và cơ hội phát triển, Hải Dương cũng phải đối mặt với rất nhiều thách thức và hạn chế ảnh hưởng tới sự phát triển trong tương lai. Tỷ lệ dân số nông thôn và lao động nông nghiệp còn lớn, trình độ nhân lực thấp. Hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật tuy có ưu thế, song so với nhu cầu phát triển vẫn còn thiếu và chưa đồng bộ. Hạ tầng đô thị chưa được cải tạo nâng cấp, hạ tầng nông thôn còn kém phát triển. Các cơ sở tạo vùng, tạo thị như đầu tư xây dựng điểm, cụm, khu công nghiệp, các trung tâm dịch vụ... đã có nhưng mới ở bước đầu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Chính những lợi thế và cơ hội phát triển song hành cùng những thách thức và hạn chế đòi hỏi cần nhanh chóng lập quy hoạch xây dựng vùng tỉnh. Phương án phát triển hệ thống đô thị góp phần định hình bộ mặt đô thị của Hải Dương trong tương lai, tạo sự liên kết giữa các đô thị, thúc đẩy sự phát triển toàn diện, đưa đến một diện mạo hiện đại, văn minh cho các đô thị trong toàn tỉnh. Định hướng phát triển hệt thống đô thị lựa chọn phương án vừa phát triển tập trung đầu mối về đô thị trung tâm là TP Hải Dương, vừa có sự phân bố độc lập tương đối giữa các đô thị, nhưng có sự liên kết, hỗ trợ phát triển thuận lợi bằng các trục, tuyến hành lang, vành đai của vùng. Phân bố không gian đô thị theo các hình thái: theo trục hành lang; theo chùm đô thị; theo cụm đô thị và theo dạng độc lập. Trước hết, phát triển hệ thống đô thị hiện có với các đô thị hạt nhân. Trong đó, TP Hải Dương là một đô thị trung tâm sau Thủ đô Hà Nội trong vùng Thủ đô Hà Nội, một đô thị có vai trò quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, một trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học – kỹ thuật... Đến trước năm 2025, TP Hải Dương sẽ là đô thị loại I, có quy mô dân số khoảng 40 – 50 vạn người. Ở khu vực phía Bắc của Hải Dương, thị xã Chí Linh sẽ là đô thị trung tâm, là trung tâm văn hoá – du lịch - dịch vụ có tiềm năng lớn phát triển dịch vụ du lịch, vui chơi giải trí tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Đến năm 2020, thị xã Chí Linh sẽ phát triển lên đô thị loại III và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh Hải Dương. Tới năm 2025, thị xã Chí Linh sẽ có quy mô dân số khoảng 14-15 vạn, với 2.500 – 3.000 ha đất xây dựng. Do đặc điểm địa hình, thị xã Chí Linh sẽ phân thành các vùng chức năng khác nhau. Vùng phát triển đô thị - công nghiệp nằm dọc hành lang đường 18 từ Phả Lại đến Hoàng Tân. Vùng bảo tồn khu di tích lịch sử Côn Sơn - Kiếp Bạc gắn với phát triển du lịch với 2 phân vùng: phân vùng bảo tồn đặc biệt gồm Côn Sơn, Kiếp Bạc và Phượng Hoàng; phân vùng khai thác đặc biệt với vùng đệm, vùng bảo vệ và vùng bảo tồn. Quần thể di tích lịch sử văn hoá Côn Sơn - Kiếp Bạc hướng tới đề nghị công nhận di tích lịch sử văn hoá thế giới, trước mắt từng bước xây dựng thành khu du lịch cấp quốc gia. Phía đông khu vực Bến Tắm là vùng cảnh quan di tích đặc sắc sẽ được xây dựng thành khu du lịch sinh thái tầm quốc gia, quốc tế.
Cùng với TP Hải Dương và thị xã Chí Linh, một số thị trấn có định hướng phát triển thành thị xã trong tương lai. Chuỗi thị trấn Kinh Môn – Phú Thứ – Minh Tân kết hợp với các khu vực đô thị hoá cao trong khu vực sẽ được định hướng phát triển thành thị xã Kinh Môn với quy mô dân số trên 10 vạn người. Đến trước năm 2030, các thị trấn Sặt (huyện Bình Giang), Phú Thái (huyện Kim Thành), Ninh Giang (huyện Ninh Giang), Thanh Miện (huyện Thanh Miện) phát triển thành đô thị loại IV với quy mô dân số từ 5 – 7 vạn người. Ngoài ra, một cụm đô thị động lực mạnh cũng sẽ được hình thành ở khu vực phía Nam tỉnh, bao gồm các huyện Thanh Miện, Tứ Kỳ và Ninh Giang tạo ra sự phát triển mạnh ở khu vực này. Cùng với đó là sự phát triển mới một số đô thị tại các khu vực có điều kiện phát triển kinh tế công nghiệp và dịch vụ, có vị trí và địa hình thuận lợi như xã Phúc Thành (Kinh Môn), xã Cộng Hoà, xã Lai Vu (huyện Kim Thành), xã Đồng Lạc (Nam Sách), xã Thái Học (Bình Giang), xã Đoàn Tùng (Thanh Miện)...
Như vậy, trong tương lai không xa, một hệ thống đô thị hoàn chỉnh sẽ hình thành trên địa bàn Hải Dương. Hệ thống đô thị này sẽ tạo nên sự liên kết vùng, liên kết khu vực và hỗ trợ cùng phát triển một cách toàn diện. Đây cũng là cơ sở để các địa phương xây dựng quy hoạch một cách hợp lý, tạo hiệu quả cao nhất trong phát triển kinh tế, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Theo : Báo Xây dựng điện tử