Trong đó, các chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng phải thường xuyên kiểm tra toàn bộ các thiết bị làm việc trên cao, gia cố các thiết bị như giàn giáo thi công, cần trục tháp, máy vận thăng… đảm bảo ổn định, liên kết chắc chắn với kết cấu công trình, đặc biệt lưu ý công tác đảm bảo an toàn điện, an toàn thiết bị và máy thi công.
UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát nhà ở bị hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn quản lý, nhất là tại các khu phố cổ, phố cũ, vùng bị ngập, lụt, khu chung cư cũ; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, phương án thực hiện, bảo đảm an toàn cho công trình và người sử dụng.
Khi cần thiết phải có biện pháp di dời ngay các hộ dân, tài sản ra khỏi công trình nguy hiểm và đảm bảo an ninh trật tự, đời sống của các hộ dân.
Các đơn vị quản lý sử dụng nhà ở, công sở kiểm tra, rà soát để phát hiện các khiếm khuyết của công trình đang sử dụng gây ảnh hưởng đến chất lượng công trình, để có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời nhằm đảm bảo an toàn trong mùa mưa bão.
Đối với các công trình nhà cao tầng, có tầng hầm, các đơn vị quản lý sử dụng phải có biện pháp chống ngập tầng hầm; tổ chức kiểm tra, rà soát lại hoạt động của các máy móc, thiết bị nhằm đảm bảo cho việc bơm tiêu nước trong tầng hầm, công tác an toàn sử dụng điện, công tác đảm bảo phòng cháy chữa cháy.
Đối với các công trình xây dựng điện lực, bưu chính viễn thông (đường dây, trạm điện, cột ăng ten…) và kho tàng, điểm kinh doanh nhiên liệu (xăng dầu, khí hóa lỏng…), đơn vị quản lý sử dụng phải tăng cường kiểm tra hành lang an toàn tuyến điện, xây dựng các phương án trong mùa mưa bão để đảm bảo các điều kiện an toàn điện, chống sét và phòng chống cháy, nổ…
Theo : www.chinhphu.vn