Bộ Công an vừa ban hành Thông tư 41 quy định về tổ chức thực hiện các dự án phát triển nhà ở dành cho cán bộ trong ngành. Theo đó, các dự án sử dụng quỹ đất an ninh chuyển mục đích sử dụng sang đất ở phải dành ít nhất 80% diện tích sàn để bán theo giá bán chính sách cho cán bộ công an. Chủ đầu tư được bán không quá 20% diện tích sàn nhà ở trong dự án để bán theo giá kinh doanh.
Đối với dự án phát triển nhà ở sử dụng quỹ đất được địa phương giao, tỷ lệ diện tích sàn nhà ở để bán cho cán bộ công an không được thấp hơn 70% diện tích sàn nhà ở. Chủ đầu tư được hưởng không quá 30% diện tích sàn nhà ở còn lại để bán theo giá kinh doanh.
Trường hợp lãnh đạo Bộ Công an giao cho các đơn vị trực thuộc thực hiện, Bộ có thể sử dụng ít nhất 10% trong tổng số diện tích sàn nhà ở bán theo giá chính sách cho cán bộ công an các đơn vị trực thuộc có nhu cầu về nhà ở trên địa bàn.
Thông tư nêu rõ, lợi nhuận định mức mỗi m2 sàn nhà ở tùy theo từng dự án nhưng không quá 10% giá thành. Việc xác định giá bán nhà ở theo giá chính sách cho một 1m2 sàn nhà ở được tính đủ các chi phí để bảo đảm thu hồi vốn đầu tư xây dựng, kể cả lãi vay và kinh phí bảo trì hiện hành.
Chủ đầu tư không được tính các khoản nhà nước ưu đãi (nếu có) như tiền sử dụng đất, tiền đầu tư hạ tầng trong phạm vi dự án, thuế giá trị gia tăng... Tỷ lệ diện tích sàn xây dựng bảo đảm cho cán bộ công an được mua nhà ở theo giá bán chính sách trong mỗi dự án.
Nguồn vốn đầu tư dự án phát triển nhà ở dành cho cán bộ công an là vốn tự có, hoặc huy động từ tiền ứng trước của cán bộ công an... Chủ đầu tư chỉ được huy động vốn sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt danh sách cán bộ, thiết kế dự toán đã được phê duyệt và dự án đã triển khai xong phần móng. Tổng số tiền huy động trước khi bàn giao nhà ở cho người được mua nhà tối đa không quá 70% trước khi bàn giao nhà.
Điều kiện để doanh nghiệp được giao làm chủ đầu tư dự án phát triển nhà ở phải là đơn vị có chức năng kinh doanh bất động sản, đủ điều kiện về năng lực tài chính, có trang thiết bị, phương tiện hiện đại và có kinh nghiệm thực hiện dự án đầu tư phát triển nhà ở.
Như vậy, lợi nhuận (10%) của các dự án nhà bán cho cán bộ công an đúng bằng lợi nhuận định mức của chủ đâu tư xây nhà thu nhập thấp.
Sau khi lên cơn sốt nhà thu nhập thấp diễn ra Hà Nội vào năm 2010, dự án nhà thu nhập thấp ở Hà Nội rơi vào tình trạng ế ẩm. Vừa qua, Tổng công ty Viglacera đã được Bộ Công an xin mua gần 200 căn hộ nhà thu nhập thấp ở Đặng Xá (Gia Lâm) cho các chiến sĩ công an.
Theo VnExpress