Nội dung của đồ án nhằm điều chỉnh phát triển không gian đô thị và cơ sở hạ tầng phù hợp với vai trò tính chất, chức năng của TP Biên Hòa trong giai đoạn trước mắt cũng như dài hạn, phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia, vùng TP.HCM và Đồng Nai.
Trên cơ sở định hướng và phân tích mô hình phát triển TP Biên Hòa do Phân viện Quy hoạch Đô thị nông thôn miền Nam thực hiện đã xác định: Biên Hòa là TP hỗn hợp đa chức năng, tích hợp chú trọng yếu tố tổ chức giao thông; phát triển trong sự liên hệ gắn kết cạnh tranh về chất lượng không gian, hạ tầng xã hội và hạ tầng kỹ thuật nhằm thu hút nguồn nhân lực có trình độ phục vụ cho sự phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư xây dựng các KCN và KĐTM. Vai trò của TP Biên Hòa trong mối liên hệ với TP mới Nhơn Trạch, thị trấn Long Thành, thị trấn Trảng Bom thông qua tính chất của từng đô thị. Ý tưởng phát triển không gian TP Biên Hòa về hướng bắc trên cơ sở ĐTM Thạnh Phú và 4 xã Bình Hòa, Tân Bình, Bình Lợi và Thiện Tân.
Theo nội dung quy hoạch chung TP Biên Hòa đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đến năm 2030 trong phạm vi khu vực xã Hiệp Hòa có khu công viên du lịch sinh thái cù lao Hiệp Hòa quy mô 240ha. Đây được xem là lá phổi xanh của TP kết hợp phát huy giá trị văn hóa lịch sử cảnh quan thông qua việc hình thành một trung tâm văn hóa du lịch cấp vùng. Hướng phát triển không gian TP Biên Hòa theo cấu trúc chuỗi đô thị đa trung tâm dọc theo trục sông Đồng Nai và trục QL51 kết hợp với đường Đồng Khởi đi lên phía bắc. Theo đó không gian phát triển Biên Hòa gồm 3 khu vực chính: Đô thị Biên Hòa cũ, ĐTM nam Biên Hòa (trên cơ sở 4 xã thuộc huyện Long Thành được sáp nhập vào Biên Hòa từ năm 2010), ĐTM bắc Biên Hòa (trên cơ sở ĐTM Thạnh Phú và 4 xã thuộc huyện Vĩnh Cửu).
Khu vực đô thị hiện hữu sẽ tái phát triển một số khu vực trọng điểm để hình thành các trung tâm công cộng và thương mại dịch vụ cấp TP, đồng thời cải tạo chỉnh trang nâng cấp các khu dân cư. Khi đó khu hiện hữu sẽ có quỹ đất phát triển tương đối lớn thông qua việc chuyển đổi công năng KCN Biên Hòa 1 và dời các nhà máy xen lẫn trong khu dân cư cũng như chuyển đổi KCN Biên Hòa 2 để giải quyết vấn đề tổ chức không gian đô thị và tăng hiệu quả sử dụng đất. Không gian phía nam Biên Hòa thuận lợi cho việc hình thành các trung tâm chuyên ngành cấp vùng như du lịch, giải trí thể thao, đào tạo, y tế cũng như phát triển môi trường sống chất lượng cao và đa dạng cho nhiều tầng lớp dân cư. Các khu vực đất thấp phía sông Đồng Nai cần có các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng. Khu vực phía bắc Biên Hòa thuộc huyện Vĩnh Cửu có mối quan hệ không gian kinh tế - xã hội gắn bó mật thiết với TP Biên Hòa. Do đó hướng phát triển không gian là dựa trên cơ sở hình thành KĐTM Thạnh Phú và phát huy vùng cảnh quan nông nghiệp vườn cây ăn trái ven sông Đồng Nai.
Quy hoạch xác định trục phát triển, hướng tới hình thành các trung tâm chuyên ngành và đóng vai trò là cỗ máy phát triển kinh tế cho bước phát triển tiếp theo của TP Biên Hòa trong tương lai. Những lõi chức năng đô thị này được xác định vị trí để kiểm soát và dẫn dắt sự phát triển bên trong TP Biên Hòa mở rộng và vùng đô thị Biên Hòa. Mỗi đô thị được đặt trên nền đất ổn định ít chịu ảnh hưởng của ngập lụt và xây dựng một ngành quan trọng góp phần vào kinh tế của TP. Những lõi chức năng đô thị này sẽ được liên kết chặt chẽ dọc theo trục đô thị của các trung tâm dân cư cũ và mới nhờ các tuyến tàu điện mặt đất và xe buýt nhanh (BRT), hệ thống giao thông công cộng với làn đường riêng để tạo sức chuyên chở lớn. Những chức năng này được chia thành 3 loại là lõi đô thị có chức năng là trung tâm hành chính mới bao gồm trung tâm hành chính TP và trung tâm hành chính tỉnh; Lõi đô thị cù lao Hiệp Hòa sẽ phát triển theo hướng đô thị về lịch sử văn hóa nghệ thuật và trung tâm dịch vụ chất lượng cao nhưng vẫn bảo tồn được lợi thế tự nhiên sẵn có; Lõi đô thị có chức năng cấp vùng gồm trung tâm thương mại, dịch vụ, nhà ga, nghiên cứu khoa học dịch vụ hỗn hợp….
Quy hoạch chung TP Biên Hòa đến năm 2030 đã được nghiên cứu với phương pháp tiếp cận bối cảnh, xác định tầm nhìn mang tính chiến lược và dài hạn. Mô hình phát triển gắn kết chặt chẽ với định hướng phát triển không gian và khung hạ tầng vùng TP.HCM. Các hướng quy hoạch được đề xuất nhằm giải quyết các vấn đề phát triển của TP theo mục tiêu chiến lược đề ra đến năm 2050.
Theo Báo Xây dựng điện tử