Hội thảo do tổ chức JICA phối hợp với Cơ quan hợp tác quốc tế thành phố Yokohama và Ủy ban Nhân dân thành phố Đà Nẵng tổ chức.
Tham dự Hội thảo có lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, đại diện Văn phòng tổ chức JICA (Nhật Bản) tại Việt Nam, đoàn chuyên gia nghiên cứu JICA và lãnh đạo Cơ quan hợp tác quốc tế của thành phố Yokohama...
Hội thảo nhằm đưa ra những vấn đề đô thị mà các thành phố mới phát triển như Đà Nẵng thường gặp và trao đổi những kinh nghiệm, các phương pháp tiếp cận để thành phố phát triển một cách bền vững trong tương lai.
Hội thảo đã giới thiệu về sự hợp tác quốc tế và định hướng phát triển tương lai của thành phố Đà Nẵng, kết quả nghiên cứu và đề xuất của JICA; giới thiệu việc xây dựng mô hình toàn cầu về Quản lý Đô thị Bền vững của thành phố Yokohama (Nhật Bản).
Các đại biểu cũng dành nhiều thời gian thảo luận và đề ra các giải pháp tiếp cận toàn diện hướng tới phát triển đô thị bền vững, đề xuất định hướng tương lai cho Đà Nẵng trong lĩnh vực hợp tác quốc tế.
Theo Đoàn nghiên cứu của tổ chức JICA, định hướng cơ bản về phát triển bền vững thành phố Đà Nẵng để trở thành vùng kinh tế trọng điểm miền Trung cần xây dựng một số dự án chính; kết nối với khu vực bằng các cảng và tuyến hàng không, cảng và tuyến đường biển, đường bộ; phát triển khu trung tâm mới, tái phát triển trung tâm hiện có kết hợp với tuyến vận tải khối lượng lớn Bắc-Nam (nối với tỉnh Quảng Nam).
Bên cạnh đó, kiểm soát thiên tai với các biện pháp phòng, chống lũ, sóng thần, biến đổi khí hậu, lở đất, bảo tồn hệ sinh thái và văn hóa với các biện pháp bảo tồn hệ sinh thái núi và đại dương, các di sản văn hóa.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 278 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 3,3 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 1,67 tỷ USD. Trong đó, Nhật Bản là nước đứng đầu về số lượng các dự án đầu tư và đứng thứ ba về lượng vốn đầu tư đăng ký với 68 dự án của doanh nghiệp Nhật Bản, chiếm 24,5% trong tổng số các dự án FDI tại Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư là 355,5 triệu USD, chiếm 10,7% trên tổng vốn FDI.
Các doanh nghiệp Nhật Bản đã tạo việc làm cho khoảng 27.000 lao động và hàng ngàn lao động gián tiếp ở các ngành sản xuất phụ trợ, các ngành sản xuất phục vụ nguyên liệu, vật liệu cho doanh nghiệp.
Các công ty này đã sản xuất ra những sản phẩm công nghệ cao, bắt đầu có mặt trên thị trường thế giới như các loại môtơ điện tử của công ty Mabuchi Motor, công ty Daiwa Seiko.
Hiện nay, các doanh nghiệp Nhật Bản kinh doanh trong lĩnh vực công nghệ thông tin đang tăng dần với 15 công ty chuyên thiết kế, gia công phần mềm.
Về du lịch- dịch vụ, Nhật Bản là thị trường khách lớn, trọng điểm của Đà Nẵng, thuộc tốp 10 thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng hàng năm.
Bên cạnh thu hút vốn FDI, Đà Nẵng cũng tập trung thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Nguồn vốn ODA Nhật Bản trong thời gian qua, thông qua JICA đã hỗ trợ thành phố Đà Nẵng trong phát triển cơ sở hạ tầng.
Qua Hội thảo, thành phố Đà Nẵng sẽ đúc kết được những kinh nghiệm và kiến thức của thành phố Yokohama trong quá trình phát triển. Đây là những kinh nghiệm quý để Đà Nẵng có thể tiếp cận, học hỏi áp dụng trong quá trình xây dựng và phát triển đô thị.
Thành phố Yokohama là một trong những thành phố phát triển năng động nhất của Nhật Bản. Trong quá trình phát triển, thành phố đã đối mặt với hàng loạt các vấn đề về đô thị như môi trường xuống cấp do công nghiệp hóa, vấn đề tăng dân số, cơ sở hạ tầng xuống cấp, vấn đề việc làm...
Chính quyền và người dân thành phố đã thực hiện nhiều giải pháp trong suốt giai đoạn phát triển và đã đạt được những kết quả đáng kể, góp phần tăng trưởng kinh tế cao và phát triển đô thị một cách bền vững với các dịch vụ đô thị tốt, hạ tầng tiện nghi hiện đại./.
Theo TTXVN/Vietnam+