Theo kiến trúc sư (KTS) Ngô Quang Hùng, Giám đốc Phân viện Quy hoạch đô thị - nông thôn miền Nam, Đà Lạt đang bị quá tải về chức năng và chịu sức ép của các dự án đầu tư. Sự phát triển dẫn đến nguy cơ mất dần bản sắc và phá vỡ cảnh quan đô thị, cảnh quan rừng dần biến mất, hồ suối chưa khai thác hợp lý, sản xuất nông nghiệp trong thành phố cũng ảnh hưởng đến cảnh quan đặc trưng của Đà Lạt.
KTS Ngô Quang Hùng đưa ra ý tưởng quy hoạch mở rộng không gian đô thị. Trong đó, đô thị hạt nhân Đà Lạt - Lạc Dương là trung tâm du lịch, nghiên cứu khoa học tầm quốc gia và quốc tế; trung tâm nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học, trung tâm văn hóa - thể thao giải trí cấp vùng và quốc gia; trung tâm hành chính của tỉnh Lâm Đồng. Không gian đô thị Liên Khương - Phinôm - Thạnh Mỹ - Đức Trọng là đô thị đối trọng đô thị Đà Lạt, đô thị hiện đại, chia sẻ chức năng với đô thị Đà Lạt và các chức năng thương mại, du lịch, đầu mối giao thông. Đô thị Nam Ban và đô thị Dran có chức năng về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghiệp chế biến, du lịch làng nghề…
KTS Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cũng ủng hộ ý tưởng mở rộng Đà Lạt lên 3.308km² (diện tích hiện tại là 393km²), lấy theo độ cao 850m trở lên, phần lớn là đất rừng, rừng thông, mặt nước. Dân số nên ở mức 90 vạn dân, trong đó, khu trung tâm giữ mức 25 vạn (còn lại mở rộng ra các khu vực Đức Trọng, Đơn Dương…) nhằm nâng cao chất lượng và điều kiện sống, bảo tồn không gian kiến trúc, cảnh quan đặc thù.
GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính, nguyên Phó Chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cho rằng, việc mở rộng thành phố phải nối mạch giữa cái cũ và cái mới, không để đứt đoạn. Trong khi đó, KTS Thierry Huau, trưởng nhóm chuyên gia Pháp, nhấn mạnh việc quy hoạch phát triển đô thị Đà Lạt cần chú ý đến bảo tồn giá trị về kiến trúc và lựa chọn kiến trúc phù hợp cho các khu đô thị mới. Những di sản kiến trúc dù đang sử dụng dưới hình thức nào (nhà ở, công sở) cũng cần phải được tôn tạo để toát lên vẻ đẹp của nó. Việc phát triển các đô thị mới phải chọn kiến trúc phù hợp với cảnh quan, đồng thời tạo những khoảng xanh trong không gian đô thị.
KTS Thierry Huau cũng lưu ý phát triển đô thị phải cân bằng với việc bảo vệ giá trị về rừng của Đà Lạt vì thực tế quá trình đô thị hóa và sản xuất nông nghiệp đang “gặm nhấm” rừng - vốn quý của Đà Lạt.
Theo : SGGP Online