Ngành Xây dựng Lai Châu: Phát huy truyền thống, tạo dựng đô thị hiện đại

Thứ năm, 26/09/2013 07:32
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
“50 năm xây dựng, phát triển, ngành Xây dựng tỉnh Lai Châu không chỉ bám sát nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao, hoàn thành nhiều công trình kỹ thuật cao mà còn đóng vai trò quan trọng trong công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng các đô thị trực thuộc tỉnh, để đô thị Lai Châu hôm nay có sức sống mới, khang trang, hiện đại hơn, hạ tầng đồng bộ, chất lượng sống của người dân được nâng cao….” - Đó là phát biểu của Ủy viên dự khuyết BCH Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị trong Lễ kỷ niệm 50 năm ngành Xây dựng tỉnh Lai Châu sáng 25/9/2013, tại thị xã Lai Châu.

Làm tốt chức năng quản lý

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị nhấn mạnh: Ngành Xây dựng tỉnh Lai Châu đã làm tốt chức năng quản lý Nhà nước, triển khai thực thi hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo hàng lang pháp lý, tạo môi trường thông thoáng, huy động mọi nguồn lực, góp phần quan trọng vào sự phát triển chung của tỉnh, hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, quy mô lớn, phức tạp, tạo hệ thống hạ tầng đồng bộ, làm thay đổi diện mạo của đô thị và nông thôn Lai Châu theo hướng hiện đại, có bản sắc.

Đồng tình với nhận định của Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Lai Châu Lò Văn Giàng nhấn mạnh: Nhìn lại ngành Xây dựng tỉnh Lai Châu sau 50 năm, các đồng chí không chỉ làm tốt nhiệm vụ giữ vững biên cương của Tổ quốc mà còn tạo nên những đô thị đẹp, tầm cỡ, vững chắc, những khu dân cư đông đúc, nơi giao thương kinh tế - văn hóa- xã hội.

Từ một vùng đất hoang sơ, nghèo nàn, bằng tâm huyết của các kiến trúc sư, kỹ sư xây dựng và đội ngũ lao động lành nghề, ngành Xây dựng đã tạo nên cảnh quan đô thị phù hợp, độc đáo với hàng loạt các công trình trọng điểm như Trung tâm hội nghị văn hóa Tỉnh, Quảng trường Nhân dân và Tượng đài Bác Hồ với đồng bào và nhân dân các dân tộc tỉnh Lai Châu, Đại lộ Lê Lợi, các tuyến đường đô thị…

Ôn lại truyền thống 50 năm xây dựng, phát triển ngành Xây dựng tỉnh Lai Châu, ông Bùi Quang Sắc, Giám đốc Sở Xây dựng Lai Châu xúc động: Ngày đầu thành lập (năm 1963), ngành Xây dựng Lai Châu gặp nhiều khó khăn, địa bàn tỉnh miền núi, giao thông đi lại cách trở, xa Trung ương cơ sở hạ tầng thấp kém, kinh tế lạc hậu, trình độ dân trí thấp.

Trải qua những năm tháng chống Mỹ gian khổ, vừa chiến đấu vừa sản xuất, rồi bước vào thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngành Xây dựng của tỉnh đã nỗ lực không ngừng, xây dựng và hoàn thành nhiều công trình trọng điểm, đòi hỏi kỹ thuật cao.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lai Châu, đến năm 1994, năng lực sản xuất, tổ chức quản lý của ngành Xây dựng được nâng lên tầm cao mới, nhiều công trình chất lượng với hơn 100.000m2 nhà ở, trụ sở làm việc, bệnh viện, trường học, nhà văn hoá… cùng hàng loạt công trình trọng điểm như công trình nâng cấp nhà ga, đường băng sân bay Điện Biên, cải tạo nâng cấp sân vận động tỉnh, nhà máy nước Điện Biên Phủ… được hoàn thành.

Sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh phát triển nhanh với 22 triệu viên gạch tuynel, 4 triệu viên ngói, 4.000 tấn vôi, 3.500m3 đá, 5.000m3 cát, sỏi, 20 nghìn tấn than, 450 tấn quặng; 200 nghìn viên đá đen/năm, phục vụ trong nước và xuất khẩu. Đến năm 1994 giá trị sản xuất VLXD trên địa bàn tỉnh tăng gấp 20 lần so với năm 1963.

Quy hoạch đồng bộ, bộ mặt đô thị khang trang

Sau chia tách và thành lập (từ 01/01/2004), ngành Xây dựng Lai Châu gặp nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng thấp kém, 3/6 đô thị phải xây dựng mới. Bằng sự nỗ lực phấn đấu trên mọi lĩnh vực, ngành Xây dựng tỉnh Lai Châu đã góp phần không nhỏ vào việc hình thành, xây dựng tỉnh Lai Châu mới.


Đến nay, ngành Xây dựng không chỉ kiện toàn bộ máy, tổ chức tốt công tác đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ mà còn đẩy mạnh hiệu quả công tác cải cách hành chính như thực hiện cơ chế “một cửa”; tăng cường ứng dụng, tin học hoá trong quản lý; tham mưu cho UBND tỉnh ban hành cơ chế chính sách về quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Quy hoạch đô thị được thực hiện một cách đồng bộ, việc quản lý xây dựng đô thị theo quy hoạch tích cực được triển khai, các khu dân cư mới trên địa bàn luôn chấp hành đầy đủ quy định về kiến trúc đô thị, khoảng lùi, nhiều nhà ở dân dụng và công cộng có thiết kế kiến trúc đa dạng, phong phú.

5 đô thị mới được xây dựng, 3 đô thị cũ được nâng cấp với cơ sở hạ tầng đồng bộ, khang trang, hiện đại, diện mạo các đô thị của tỉnh đã cơ bản được hình thành, là chuỗi đô thị đẹp, hiện đại, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc.

Ông Bùi Quang Sắc, Giám đốc Sở Xây dựng Lai Châu cho biết: Thời gian tới, ngành Xây dựng Lai Châu sẽ tiếp tục chủ động làm tốt công tác tham mưu cho tỉnh, chú trọng công tác quản lý Nhà nước của ngành; kiện toàn tổ chức, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện cơ chế “một cửa”, đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng kh học kỹ thuật, công nghệ xây dựng mới nhằm nâng cao năng lực quản lý, chất lượng công trình; xây dựng cơ chế, tháo gỡ khó khăn, thu hút các nhà đầu tư ; đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra trong hoạt động xây dựng, đặc biệt là thực hiện quy hoạch và chất lượng công trình xây dựng…

Với nhận định “Giai đoạn tới với yêu cầu mới đang đặt ra cho ngành Xây dựng nhiều nhiệm vụ nặng nề”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Nghị chỉ đạo: Ngành Xây dựng Lai Châu cần tiếp tục phát huy truyền thống, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng được yêu cầu, thực hiện quyết liệt hơn nữa các nhiệm vụ quản lý nhà nước được giao; chủ động, sáng tạo trong xây dựng, kiến thiết, góp phần xây dựng phát triển Lai Châu một cách bền vững.

Với những thành tích đã đạt được, ngành Xây dựng Lai Châu đã được Đảng, Nhà nước và ngành Xây dựng trao tặng nhiều danh hiệu cao quý.

Theo : Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)