Xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch ở Thủ đô

Thứ bẩy, 23/06/2012 17:23
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Trong những năm qua, từ nhiều nguồn vốn, TP Hà Nội đã tập trung đầu tư phát triển hệ thống cấp nước, cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ cấp nước cho người dân. Tuy nhiên, tại một số vùng ngoại thành, tình hình cấp nước còn nhiều khó khăn. Thành phố đang triển khai xây dựng thêm các nhà máy nước sạch công suất lớn, hoàn thiện mạng lưới cấp nước theo quy hoạch, đáp ứng nhu cầu sử dụng nước phục vụ sản xuất và sinh hoạt ngày càng tăng của người dân Thủ đô.

Gần 70% số dân ngoại thành thiếu nước sạch

Nước sạch phục vụ sản xuất và sinh hoạt là nhu cầu thiết yếu của cuộc sống. Tại các đô thị lớn, tập trung nhiều cơ quan, công sở, các khu công nghiệp và chế xuất, dân số đông, tốc độ đô thị hóa nhanh như Thủ đô Hà Nội, nhu cầu về nước sinh hoạt lại càng lớn. Ðiều này tạo áp lực rất lớn đối với công tác cấp nước trên địa bàn, đòi hỏi các đơn vị không ngừng nỗ lực khai thác, vận hành hệ thống cấp nước, bảo đảm tình hình cấp nước ổn định, với chất lượng dịch vụ ngày càng cao.

Trong những năm qua, hệ thống cấp nước trên địa bàn Thủ đô đã được đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp với quy mô lớn.

Từ năm 1985 đến 1997, nhờ nguồn vốn viện trợ của Chính phủ Phần Lan, ngành nước Hà Nội đã cải tạo các nhà máy nước: Yên Phụ, Tương Mai, Ngọc Hà, Ngô Sỹ Liên, xây mới hai nhà máy nước Mai Dịch, Pháp Vân. Sau năm 2000, thành phố tiếp tục đầu tư xây dựng bốn nhà máy nước nữa, đó là các nhà máy nước: Nam Dư, Cáo Ðỉnh, Gia Lâm và Bắc Thăng Long, bên cạnh đó, thành phố tiếp tục mở rộng, nâng công suất các nhà máy nước cũ, nâng tổng sản lượng nước trên địa bàn thành phố đạt hơn 600 nghìn m3/ngày đêm. Ðồng thời với việc đầu tư tăng nguồn cung cấp nước, hệ thống đường ống truyền dẫn, phân phối nước ngày càng được mở rộng không chỉ trong các quận nội thành cũ, mà phát triển mạng lưới cấp nước ở các vùng ven đô. Nhất là tại khu vực trước đây là các làng, xã, nay chuyển đổi thành phường, thuộc các quận Hoàng Mai, Tây Hồ, Cầu Giấy, hay những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao như huyện Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Ðông Anh, Sóc Sơn.

Năm 2008, sau khi mở rộng địa giới hành chính, Hà Nội có diện tích tự nhiên 3.344,7 km2 (rộng gấp 3,6 lần diện tích cũ) với 29 quận, huyện, 6,5 triệu người dân, đặt ra những yêu cầu, nhiệm vụ mới đối với ngành cấp nước. Cũng vào thời gian này, Nhà máy xử lý nước sông Ðà - nhà máy xử lý nước mặt thành nước sinh hoạt đầu tiên được đưa vào sử dụng, nâng tổng số nhà máy sản xuất nước của Hà Nội lên 15 nhà máy và 19 trạm cấp nước, tổng sản lượng nước đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm. Nhờ nguồn cung cấp nước dồi dào, vận hành mạng lưới hợp lý, đến nay, 100% số hộ dân nội thành và hơn 33% số hộ dân ngoại thành, với gần ba triệu người dân của Thủ đô đã được sử dụng nước sạch với tiêu chuẩn 121 lít/ngày, chất lượng nước đạt tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Nhiều khu vực trước đây thường xuyên khan hiếm nước, như một số phường của quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, khu vực đường Láng, đường Ðê La Thành (quận Ðống Ða), đường đê Nghi Tàm - An Dương Vương (quận Tây Hồ)..., tình hình cấp nước được cải thiện đáng kể. Vào những thời điểm như mùa hè - khi nhu cầu sử dụng nước lớn, hoặc mùa khô - khi mực nước ngầm hạ thấp, sản lượng nước vẫn được duy trì ổn định.

Mặc dù đã có nhiều cố gắng đáng ghi nhận, nhưng việc cung cấp nước sạch cho người dân giữa các khu vực trên địa bàn Thủ đô chưa đồng đều. 33,23% số dân ngoại thành được sử dụng nước sạch chủ yếu là các hộ dân thuộc các huyện ven đô của Hà Nội cũ. Phần lớn các hộ dân chưa được sử dụng nước sạch (bảo đảm tiêu chuẩn chất lượng) chủ yếu nằm trên địa bàn các huyện của Hà Tây (cũ). Tại các khu vực này, trước đây, người dân thường sử dụng nước giếng khoan, giếng khơi để sinh hoạt, nhưng nay, do nguồn nước ngầm bị cạn kiệt, chất lượng nước bị ô nhiễm, nước sạch rất khan hiếm.

Ðầu tư xây dựng các nhà máy xử lý nước mặt

Quy hoạch xây dựng chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu rõ, các khu vực cửa ngõ của Thủ đô gồm: Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Phú Xuyên, Sóc Sơn sẽ được xây dựng thành các đô thị vệ tinh; ba thị trấn Phúc Thọ (huyện Phúc Thọ), Quốc Oai (huyện Quốc Oai) và Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ) được phát triển thành các đô thị sinh thái. Cùng với đó, thành phố tiếp tục mời gọi các nhà đầu tư nhằm lấp đầy diện tích các khu công nghiệp trên địa bàn. Thực trạng tình hình cấp nước trên địa bàn thành phố và những mục tiêu phát triển trong thời gian tới đặt những yêu cầu mới đối với công tác phát triển hạ tầng cấp nước.

Chương trình công tác số 07-CTr/TU về tập trung xây dựng hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường giai đoạn 2011 - 2015, Kế hoạch thực hiện Nghị quyết T.Ư 4 (khóa XI) về "Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020" của Thành ủy Hà Nội đều xác định đầu tư phát triển hệ thống hạ tầng cấp nước, nâng cao chất lượng dịch vụ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của công tác xây dựng và quản lý đô thị giai đoạn tới.

Trên cơ sở đó, thành phố xây dựng Kế hoạch phát triển hệ thống hạ tầng cấp nước đô thị và các vùng lân cận TP Hà Nội, với mục tiêu bảo đảm cấp nước ổn định về số lượng và chất lượng ở toàn bộ các quận, thị xã Sơn Tây; từng bước đầu tư cấp nước khu vực lân cận dọc trục Ðại lộ Thăng Long, quốc lộ 32, quốc lộ 6, quốc lộ 1 và cấp nước cho các huyện ngoại thành; giảm dần khai thác nước mặt, tăng nguồn nước mặt, giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch, bảo đảm phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước.

Ðể thực hiện mục tiêu nêu trên, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm sau. Về phát triển nguồn nước, từ nay đến năm 2015, thành phố đầu tư nâng công suất Nhà máy nước Gia Lâm giai đoạn II từ 30 nghìn m3/ngày đêm lên 60 nghìn m3/ngày đêm cấp cho khu vực quận Long Biên, Gia Lâm. Xây dựng Nhà máy nước Nguyên Khê 10.000 m3/ngày đêm, cấp cho khu vực các huyện Ðông Anh, Mê Linh; nâng công suất Nhà máy nước Sơn Tây 2 từ 10 nghìn m3 lên 20 nghìn m3/ngày đêm. Tận dụng hết công suất giai đoạn I của Nhà máy nước sông Ðà (300 nghìn m3/ngày đêm) để cấp nước cho thị xã Sơn Tây, các xã Phúc Thọ, Ba Vì... Xây dựng Nhà máy nước Yên Viên 10 nghìn m3/ngày đêm cấp cho khu vực thị trấn Yên Viên, xã Ðình Xuyên, Yên Thường (huyện Gia Lâm).

Bên cạnh việc khai thác nguồn nước ngầm, thành phố triển khai xây dựng Nhà máy nước mặt sông Hồng (giai đoạn I) 150 nghìn m3/ngày đêm cấp cho các huyện Từ Liêm, Hoài Ðức, Ðan Phượng và bổ trợ cho một số quận nội thành, để giảm dần việc khai thác nước ngầm. Tiếp đó, xây dựng Nhà máy nước mặt sông Ðuống (giai đoạn I) 150 nghìn m3/ngày đêm, cấp cho khu vực quận Long Biên, các huyện Gia Lâm, Ðông Anh...

Về việc phát triển mạng lưới đường ống cấp nước, thành phố đầu tư xây dựng 20 tuyến truyền dẫn dài hơn 100 km, trong đó, khu vực phía tây thành phố có 13 tuyến, dài từ 40 đến 60 km, khu vực phía bắc có hai tuyến truyền dẫn: Yên Viên, Sóc Sơn - Ðông Anh - Mê Linh với chiều dài 20 km. Khu vực phía tây bắc, khu đô thị trung tâm thành phố có hai tuyến truyền dẫn với tổng chiều dài 23,2 km. Khu vực Sơn Tây, Ba Vì ba tuyến truyền dẫn dài 20 km. Ðồng thời, đầu tư xây dựng và hoàn thiện 4,2 km đường ống phân phối, dịch vụ, tăng cường quản lý chống thất thoát, thất thu nước, tăng lượng nước sử dụng hữu ích, không ngừng nâng cao chất lượng dịch vụ cấp nước cho nhân dân, đáp ứng yêu cầu của quá trình đô thị hóa, đóng góp quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô trong thời kỳ mới.


Theo Nhân Dân

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)