Phân loại để xử lý
Để có cơ sở triển khai quy hoạch phát triển VLXD cần phải có các thông tin từ các cơ sở sản xuất VLXD để phân loại các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường, hiệu quả kinh tế thấp. Tuy nhiên, Sở Xây dựng TPHCM cho biết, hiện nay chưa có số liệu chuẩn xác về các cơ sở sản xuất VLXD thực tế đang hoạt động trên địa bàn TP. Các thông tin về các cơ sở sản xuất VLXD do Sở Xây dựng tổng hợp từ số liệu cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy đăng ký doanh nghiệp của Sở KH-ĐT, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP và báo cáo của UBND các quận - huyện. Trong đó, một số quận - huyện chưa báo cáo, một số cũng chỉ báo cáo trên cơ sở cấp giấy đăng ký hộ kinh doanh. Chính vì thế, việc xây dựng Chương trình điều tra, khảo sát này nhằm mục đích thu thập số liệu để phục vụ cho việc xây dựng đề án di dời các cơ sở sản xuất VLXD không phù hợp theo quy hoạch được duyệt, cũng như rà soát, cập nhật số liệu để điều chỉnh, xây dựng đề án quy hoạch phát triển VLXD trong tương lai. Mục tiêu cụ thể là xác định số lượng các cơ sở sản xuất VLXD đang hoạt động trên địa bàn TP. Từ đó phân loại các cơ sở sản xuất gạch ngói, các nhà máy, trạm nghiền xi măng trên địa bàn TP về môi trường, trình độ công nghệ và hiệu quả kinh tế. Qua đó xác định các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, hiệu quả kinh tế thấp phải di dời, xóa bỏ hoặc phải thực hiện phương án hoàn thiện công nghệ, xử lý môi trường…
Theo định hướng phát triển VLXD của TPHCM, sản xuất VLXD sẽ thực hiện tại Khu công nghiệp Hiệp Phước (huyện Nhà Bè), Khu công nghiệp Đông Nam (huyện Củ Chi), Khu công nghiệp Phong Phú (huyện Bình Chánh). Theo đó, các ngành và quận-huyện đang thực hiện rà soát lại các cơ sở sản xuất VLXD trên địa bàn TP để có kế hoạch di dời vào các khu công nghiệp hoặc các vùng lân cận; xây dựng và ban hành các tiêu chí để đánh giá tình hình công nghệ sản xuất VLXD làm cơ sở để thẩm định và phê duyệt khi chủ đầu xây dựng dự án VLXD theo quy hoạch. Sở Xây dựng cũng đang tiến hành làm việc với 7 tỉnh lân cận như Đồng Nai, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tiền Giang để trao đổi tìm nguồn nguyên liệu phục sản xuất VLXD cao cấp, tạo điều kiện để doanh nghiệp (DN) của TPHCM tham gia đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất VLXD tại các địa phương này.
Tạo môi trường kinh doanh lành mạnh
Về chính sách hỗ trợ DN hoạt động trong lĩnh vực sản xuất VLXD, các dự án chế tạo thiết bị sản xuất VLXD không nung nhẹ và sản xuất gạch xi măng cốt liệu công suất từ 7 triệu viên/năm trở lên ngoài các chính sách ưu đãi về thuế nhập khẩu, thu nhập DN, ưu đãi và hỗ trợ khác theo quy định hiện hành còn được hưởng ưu đãi như đối với các dự án thuộc chương trình cơ khí trọng điểm. Sở Xây dựng cho biết, những chính sách hỗ trợ này cũng đã khuyến khích các DN tích cực hơn trong đổi mới công nghệ, nhất là việc đổi mới công nghệ theo hướng sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguyên vật liệu, ít chất thải và tạo ra giá trị gia tăng cao, hướng tới sự phát triển bền vững của ngành VLXD.
Theo đó, cũng có một số chủng loại VLXD không nung được phát triển sản xuất và sử dụng gồm gạch xi măng cốt liệu; gạch nhẹ, gồm có bê tông bọt và bê tông khí. Đặc tính chung của bê tông nhẹ là thân thiện với môi trường, nguyên liệu chủ yếu có thể tận dụng cả phế phẩm sẵn có tại địa phương, các phế thải công nghiệp như: xi măng, cát, vôi, tro bay, xỉ than - một phế phẩm của nhiệt điện chạy than mà hiện ta sử dụng chưa tới 10% lượng thải ra; đá mi, đá bụi - phế phẩm ngành khai thác đá. Do sản phẩm nhẹ nên khi đưa vào công trình xây dựng đã giảm tải rất nhiều cho công trình. Đặc biệt, gạch nhẹ lại có đặc điểm tối ưu là không độc hại khi cháy, chống thấm tốt, cường độ nén cao, cách âm và cách nhiệt rất tốt nên tạo được môi trường sống đáp ứng kịp thời với yêu cầu thích nghi của con người, tổng chi phí đầu tư sẽ thấp hơn khi xây dựng. Ngoài ra, các DN Việt Nam đã có thể tự chế tạo ra các máy móc sản xuất VLXD không nung mà không cần phải nhập khẩu. Do đó, giá thành sản phẩm cũng sẽ giảm nhiều. Nhiều DN trên địa bàn TP đã có bước đi tiên phong trong việc sản xuất VLXD theo hướng phát triển bền vững này.
Nhằm đưa các hoạt động trong lĩnh vực VLXD tuân thủ theo đúng quy định pháp luật cũng như chấn chỉnh việc sản xuất, kinh doanh VLXD nhóm 2 (các loại VLXD có khả năng gây mất an toàn), Sở Xây dựng vừa đề nghị Chi cục Quản lý thị trường TP kiểm tra và xử lý vi phạm hành chính các đơn vị không công bố hợp quy sản phẩm hàng hóa. Theo Sở Xây dựng, khi sản xuất, nhập khẩu các sản phẩm, hàng hóa VLXD nhóm 2, người sản xuất và người nhập khẩu phải thực hiện công bố hợp quy và đăng ký bản công bố hợp quy. Các loại VLXD phải đăng ký hợp quy bao gồm các nhóm sản phẩm: clinker xi măng và xi măng; kính xây dựng; phụ gia cho xi măng và bê tông; VLXD chứa sợi vô cơ, sợi hữu cơ tổng hợp, sản phẩm hợp kim nhôm và sản phẩm trên cơ sở gỗ; sơn, vật liệu chống thấm; gạch ốp lát. Tuy nhiên hiện nay vẫn còn nhiều đơn vị chưa thực hiện việc này nên Sở Xây dựng đã đưa ra đề nghị trên không chỉ nhằm đưa các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất VLXD theo đúng quy định mà còn góp phần tạo môi trường kinh doanh lành mạnh cho các DN sản xuất VLXD trong nước.
Theo : SGGP