Đó là nội dung kết quả nghiên cứu sơ bộ dự án nhà ga trung tâm Bến Thành vừa được Ban quản lý đường sắt đô thị TP phối hợp với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) thực hiện. Ông Lê Khắc Huỳnh, phó trưởng ban thường trực Ban quản lý đường sắt đô thị, cho biết dự án nhà ga trung tâm Bến Thành sẽ sớm được xây dựng để kịp đưa vào hoạt động cùng với tuyến metro số 1 và số 2 dự kiến đưa vào hoạt động năm 2017.
Không gian ngầm kết hợp metro và khu mua sắm
Theo thỏa thuận giữa UBND TP.HCM và JICA, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nghiên cứu sơ bộ cho hai khu vực: quảng trường trước chợ Bến Thành (phạm vi xây dựng nhà ga trung tâm) và khu vực dọc đường Lê Lợi (dự kiến xây dựng trung tâm thương mại ngầm).
Theo đó, khu vực nhà ga trung tâm Bến Thành sẽ được xây dựng ngầm dưới lòng đất 40m, gồm hai phần: phần khu vực nhà ga gồm ba tầng cho bốn tuyến metro (tầng một cho tuyến số 1 và 3a, tầng hai: tuyến số 2, tầng 3: tuyến số 4) và phần mua sắm bao quanh nhà ga. Đối với khu vực dọc đường Lê Lợi (kết nối giữa nhà ga trung tâm và nhà ga Nhà hát TP), nhóm nghiên cứu đề xuất nên xây dựng một khu mua sắm phía trên đoạn hầm của tuyến metro số 1 với diện tích khoảng 25.500m2. Như vậy, tổng diện tích ngầm bao gồm nhà ga trung tâm Bến Thành và khu mua sắm ngầm dọc đường Lê Lợi khoảng 45.000m2.
Ông Lê Khắc Huỳnh cho biết ý tưởng xây dựng khu mua sắm kết hợp với metro ngoài việc tận dụng không gian ngầm còn nhằm mang tới các dịch vụ tiện nghi cho hành khách đi metro. Ngoài ra, việc khai thác trung tâm thương mại sẽ góp phần đem lại lợi nhuận để bù đắp chi phí đầu tư các tuyến metro. Đây là mô hình mà nhiều nước trên thế giới, trong đó có Nhật Bản, đã triển khai thành công.
Phân kỳ đầu tư
Theo Ban quản lý đường sắt đô thị TP, chi phí xây dựng khu vực không gian ngầm nói trên lên tới hơn 900 triệu USD. Trong đó, mức đầu tư dự án nhà ga trung tâm Bến Thành cùng đoạn ngầm tuyến metro số 1 là 429 triệu USD và mức đầu tư khu thương mại ngầm là 479 triệu USD.
Để có thể triển khai dự án, sau khi được Chính phủ phê duyệt, TP.HCM sẽ lập dự án đầu tư chính thức để kêu gọi vốn đầu tư tư nhân và vay vốn ODA của Nhật Bản. Việc xây dựng cũng sẽ được phân kỳ để đẩy nhanh tiến độ. Theo đó, nhà ga trung tâm sẽ được xây dựng trước phần ga của tuyến số 1 và phần kết cấu của ga tuyến số 2 (hiện đã có vốn đầu tư). Sau đó tiếp tục xây dựng khu mua sắm và phần ga cho các tuyến metro còn lại. Không gian ngầm dưới đường Lê Lợi cũng sẽ được xây dựng trước đoạn ngầm của tuyến số 1 và có phần kết cấu chờ để tiếp tục xây dựng khu thương mại ngầm khi có kinh phí.
Việc xây dựng nhà ga và khu mua sắm ngầm sẽ ảnh hưởng rất lớn tới không gian ngầm khu trung tâm trong khi TP chưa có quy hoạch không gian ngầm chung trên toàn địa bàn TP. Tuy nhiên, Ban quản lý đường sắt đô thị TP cho biết việc di dời các hạng mục ngầm (điện, nước, viễn thông...) sẽ được xem xét theo từng dự án cụ thể và UBND TP sẽ có sự chỉ đạo trực tiếp để đảm bảo tiến độ.
Dự kiến ngày 28-8, TP.HCM sẽ khởi công xây dựng 17,1km metro đầu tiên thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). Tuyến số 1 có 14 nhà ga, trong đó có ba ga ngầm (bao gồm nhà ga tại ga trung tâm Bến Thành) và 11 ga nổi. Dự kiến đến năm 2017 sẽ hoàn thành. Nhà ga trung tâm Bến Thành và khu vực mua sắm cũng sẽ sớm được khởi công để đưa vào vận hành cùng thời gian đó.
7 tuyến metro Ngoài tuyến metro số 1, TP.HCM dự kiến xây dựng thêm sáu tuyến metro khác gồm: Tuyến số 2 (Thủ Thiêm - bến xe Tây Ninh) dài khoảng 20km. Tuyến số 4 (Nguyễn Văn Linh - cầu Bến Cát) dài 24km. Tuyến số 5 (cầu Sài Gòn - bến xe Cần Giuộc) dài khoảng 17km. Tuyến số 6 (Bà Quẹo - vòng xoay Phú Lâm) dài 6km. Riêng tuyến metro số 3 dài khoảng 23km được tách làm hai: Tuyến 3A (Bến Thành - Tân Kiên). Tuyến 3B (ngã sáu Cộng Hòa - Hiệp Bình Phước). Chi phí xây dựng mỗi tuyến metro lên tới cả tỉ USD, nhưng được kỳ vọng đáp ứng phần lớn nhu cầu đi lại bằng phương tiện công cộng của người dân, góp phần giảm ùn tắc giao thông trên địa bàn TP. |
Theo Tuổi Trẻ