Ngành Xây dựng Bình Phước: Phát triển đô thị theo hướng bền vững

Thứ tư, 11/01/2012 08:10
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ai đó đã từng nói: “Nhìn vào bộ mặt đô thị sẽ biết được năng lực quản lý của địa phương”. Câu nói ấy quả thật chẳng sai. Tuy mới trở thành tỉnh lỵ của tỉnh Bình Phước tròn 15 năm nhưng TX Đồng Xoài đã kịp khoác lên mình “bộ y phục” đồng bộ và hoàn chỉnh chẳng thua gì các đô thị đàn anh.

Năm 1997 khi tỉnh Sông Bé được tách làm hai, Đồng Xoài khi ấy mới chỉ là thị tứ, cơ sở vật chất thiếu thốn, dân cư thưa thớt, các cơ quan ban ngành phải làm việc tại các trụ sở tạm. Ngay sau khi tái lập, ngành Xây dựng đã phải tập trung toàn lực cho công tác lập quy hoạch xây dựng và xây dựng trụ sở làm việc cho bộ máy của tỉnh. Sau 4 năm, năm 2001, bộ mặt trung tâm kinh tế - chính trị của tỉnh tương đối hoàn chỉnh, tạo điều kiện cho CBVC được làm việc trong các trụ sở khang trang.

Để việc quản lý đô thị đi vào trật tự, nề nếp, làm cơ sở quản lý đầu tư xây dựng, ngành Xây dựng Bình Phước đã tiến hành lập, thẩm định và phê duyệt toàn bộ đồ án quy hoạch chung trung tâm các huyện. Vì vậy, đến nay Bình Phước trở thành một trong những địa phương có tỷ lệ triển khai quy hoạch chung xây dựng đạt 100%. Đặc biệt, Bình Phước đã hình thành được một chuỗi đô thị gồm 3 thị xã là Đồng Xoài, Bình Long, Phước Long. Song song đó, 8 KCN cũng đã hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư để phục vụ cho chiến lược chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với điều kiện CNH, HĐH.

Là tỉnh cửa ngõ đi Tây Nguyên, cầu nối giữa khu vực Tây Nguyên với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bình Phước trở thành vùng ”đất lành” để cư dân khắp các nơi đến sinh sống và làm việc. Theo số liệu thống kê, sau 15 năm dân số Bình Phước đã tăng gần gấp hai lần, tỷ lệ đô thị hóa đạt 16,79% (năm 1999 là 15,45%). Với tốc độ phát triển như vậy nếu không có chiến lược sẽ trở thành sức ép cho một địa phương non trẻ. Ông Nguyễn Hoàng Hùng - Giám đốc Sở Xây dựng Bình Phước chia sẻ: “Bài toán phát triển đô thị Bình Phước hiện nay là dân số, lao động và việc làm tăng nhanh. Tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế với tốc độ cao kéo theo hệ lụy hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội chưa đáp ứng đủ điều kiện sống cơ bản của người dân, nguy cơ xuống cấp môi trường đô thị ngày càng tăng… Giải bài toán này, tỉnh sẽ phải lựa chọn chiến lược phát triển đô thị bền vững bằng các giải pháp phù hợp với từng giai đoạn. Trong đó, tiếp tục hoàn chỉnh về các thể chế, các quy định pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng, đột phá về hạ tầng tại 3 thị xã, đào tạo nguồn nhân lực và phát triển đô thị một cách bền vững. Muốn vậy, công tác quy hoạch phải đi đầu. Do đó ngành Xây dựng đang chú trọng đến công tác lập quy hoạch vùng tỉnh, điều chỉnh các quy hoạch chung đô thị như: Đồng Xoài, Bình Long, Đức Phong cho phù hợp với tình hình mới”.

Sau quy hoạch thì việc đầu tư phát triển hạ tầng đồng bộ để tạo diện mạo đô thị văn minh, hiện đại được xem là vấn đề ưu tiên tại các đô thị Bình Phước, trong đó, việc thu gom, xử lý chất thải rắn; cấp thoát nước đô thị; phát triển cây xanh, chiếu sáng được lãnh đạo ngành Xây dựng Bình Phước quan tâm phát triển. Phấn đấu đến năm 2015, nâng công suất cấp nước sinh hoạt tại 3 thị xã từ 26,58% như hiện nay lên 70% và tại 7 thị trấn còn lại từ 7,44% lên 50%. Mỗi đô thị đều có nhà máy xử lý rác, công viên cây xanh kết hợp vui chơi giải trí để phục vụ đời sống cho nhân dân. Bên cạnh đó, vấn đề nhà ở cũng được quan tâm không kém. Theo số liệu điều tra tháng 4/2009, Bình Phước có 215.745 hộ có nhà ở đạt 99,99%. So với năm 1999, loại nhà kiên cố tăng từ 3,14% lên 7,58%; nhà bán kiên cố tăng từ 34,65% lên 73,68%.


Theo Báo Xây dựng điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)