Với quy mô công trình 8 tầng (chiều cao 32m), 1 tum (không quá 3m) và 4 tầng ngầm. Trong đó, khối đế có mật độ xây dựng là 64% và phần thân có mật độ xây dựng là 51%. Lớp ngoài quy mô tiếp giáp mặt phố: 6 tầng lùi 6m so với chỉ giới đường đỏ phố Lý Thái Tổ và lùi 4m so với chỉ giới đường đỏ phố Trần Nguyên Hãn; lớp trong lùi so với lớp ngoài là 4m. Khu đất nêu trên có diện tích 9.934m2 do Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam quản lý sử dụng. Hiện trạng sử dụng đất là nhà xưởng sản xuất, lắp ráp 1 tầng, nhà khách 5 tầng và nhà làm việc 2 tầng nằm trong khu vực phố cũ. Vị trí công trình nằm trên tuyến phố Lý Thái Tổ, cách Hồ Gươm khoảng 200m về phía tây, không nằm trong khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận.
Theo Quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm, tỷ lệ 1/2000 được UBND TP Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 96/2000/QĐ-UB ngày 7-11-2000 thì khu đất có ký hiệu C25 CQ này được xác định có tầng cao tối đa 15 tầng. Chức năng sử dụng đất theo quy hoạch là đất cơ quan. Xung quanh khu vực hiện có một số công trình đã xây dựng như tòa nhà Cục Lao động cao 8 tầng; giáp phía sau có trụ sở Công ty Lương thực miền Bắc 11 tầng, đối diện có công trình Cục Đối ngoại (Bộ Quốc phòng) cao 7 tầng và 2 tầng mái (tổng chiều cao 36m); công trình tại số 2-4 Ngô Quyền cao 16 tầng; phố Trần Quang Khải có tòa nhà BIDV cao 21 tầng.
Việc phê duyệt Điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết quận Hoàn Kiếm, tỷ lệ 1/2000 (phần quy hoạch sử dụng đất) và Quy hoạch tổng mặt bằng, tỷ lệ 1/500 ô đất ký hiệu C25 CQ do Tổng Công ty Thiết bị điện Việt Nam quản lý tại số 10 phố Trần Nguyên Hãn và số 27-29 phố Lý Thái Tổ, nhằm thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc di dời cơ sở sản xuất ra ngoài khu vực nội thành; nâng cao hiệu quả sử dụng đất; góp phần chỉnh trang khu phố cũ cũng như tạo bộ mặt kiến trúc hài hòa khu vực, góp phần bổ sung các chức năng dịch vụ, công cộng. Việc chuyển đổi chức năng sử dụng đất hiện trạng (là văn phòng, nhà xưởng công nghiệp lắp ráp, một phần đang được cho thuê làm khách sạn) phù hợp với chủ trương sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu Nhà nước (Quyết định 09/2007/QĐ-TTg ngày 19-1-2007 của Thủ tướng Chính phủ). Ngoài ra, theo Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 26-7-2011, khu vực xây dựng được quy định: "Ưu tiên phát triển các công trình văn hóa, dịch vụ du lịch và văn phòng làm việc cao cấp; Cải tạo hoặc xây dựng lại khách sạn, cơ sở lưu trú, phát triển khách sạn chất lượng cao...; Cho phép có điều kiện: lựa chọn một số địa điểm phù hợp về vị trí, đáp ứng đủ các tiêu chí về hạ tầng để làm điểm nhấn đô thị và đóng góp cho cảnh quan chung. Các công trình này cần có những đóng góp về không gian mở, vườn hoa, vỉa hè lớn, kết hợp làm không gian công cộng".
Trong quá trình triển khai, UBND quận Hoàn Kiếm và phường Lý Thái Tổ đã tổ chức xin ý kiến cộng đồng dân cư, đại diện các tổ dân phố đã đồng thuận chủ trương chuyển đổi và xây dựng công trình tại đây (Văn bản số 648/UBND-QLĐT ngày 12-8-2011 của UBND quận). Công trình đã được đưa ra xin ý kiến Hội đồng kiến trúc quy hoạch thành phố và đã được tất cả thành viên thống nhất chủ trương xây dựng công trình khách sạn, trung tâm thương mại và văn phòng.
Như vậy, có thể thấy, việc điều chỉnh quy hoạch tại đây phù hợp với Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Công trình khi đi vào hoạt động sẽ góp phần phát triển kinh tế - xã hội; đóng góp không gian mở - công cộng cho khu vực; cải tạo, nâng cấp đô thị lõi để bổ sung chức năng công cộng, dịch vụ hỗ trợ cho khu vực. Góp phần cải tạo chỉnh trang tuyến phố cũ, hoàn thiện góc giao lộ giữa tuyến phố Lý Thái Tổ - Trần Nguyên Hãn và hài hòa với cảnh quan chung khu vực. Ngoài ra, công trình còn góp phần phát triển mạng lưới du lịch tại khu vực trung tâm Hà Nội trên cơ sở bảo tồn và phát huy giá trị khu phố cũ, bổ sung thêm một khách sạn chất lượng cao trong khu vực trung tâm thành phố.
Theo Hà Nội mới