Phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch chung thị trấn sinh thái Phúc Thọ gồm ranh giới hành chính thị trấn Phúc Thọ hiện hữu và một phần các xã Phúc Hòa, Trạch Mỹ Lộc, Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ và các xã Đại Đồng, Cẩm Yên huyện Thạch Thất.
Tổng diện tích đất nằm trong phạm vi nghiên cứu lập quy hoạch khoảng 1.050ha. Phạm vi quy hoạch có tổng diện tích khoảng 870ha, trong đó diện tích phát triển đô thị tối đa khoảng 400ha.
Dân số hiện trạng năm 2010 trong phạm vi quy hoạch trực tiếp khoảng 2,2 vạn người. Dự báo dân số theo quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 khoảng 3,3 vạn người; dự báo dân số đến năm 2050 dân số tối đa khoảng 4,1 vạn người.
Mục tiêu, nhiệm vụ lập quy hoạch nhằm hình thành thị trấn sinh thái Phúc Thọ phát triển theo mô hình đô thị sinh thái để hỗ trợ phát triển vùng nông thôn nằm trong hành lang xanh. Đây cũng là cơ sở để lập các quy hoạch tiếp theo, triển khai các dự án đầu tư, quản lý xây dựng theo quy hoạch; kiểm soát phát triển và quản lý đô thị, cải tạo chỉnh trang đô thị, các khu dân cư và làng xóm hiện có; đề xuất danh mục các chương trình đầu tư và dự án chiến lược.
Theo đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, thị trấn sinh Thái Phúc Thọ là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội huyện Phúc Thọ, đồng thời là trung tâm hỗ trợ phát triển vùng nông thôn huyện Phúc Thọ với các cơ sở công nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm gắn với tiểu thủ công nghiệp làng nghề, dịch vụ công cộng, dịch vụ logistics hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao và các dịch vụ hỗ trợ sản xuất khác, chuyển giao công nghệ và đào tạo...
Thời gian hoàn thành đồ án quy hoạch trong vòng 9 tháng kể từ khi nhiệm vụ quy hoạch này được phê duyệt.
Huyện Phú Xuyên có 2 thị trấn, 26 xã nằm ở phía Nam TP, diện tích đất tự nhiên khoảng 17.104,6ha. Huyện là đầu mối giao thông quan trọng cả về đường thủy, đường bộ và đường sắt trung chuyển hàng hóa, dịch vụ, lao động từ các vùng lân cận vào Hà Nội và ngược lại. Đây cũng là vùng sản xuất nông nghiệp, công nghiệp dựa trên sản xuất lương thực, thực phẩm, kinh tế sản xuất làng nghề tiểu thủ công nghiệp truyền thống có thương hiệu và giá trị cao...
Mục tiêu, nhiệm vụ quy hoạch nhằm mở rộng và xây dựng các liên kết vùng (liên kết giữa đô thị vệ tinh với đô thị trung tâm, liên kết vùng lưu vực sông Nhuệ, liên kết đầu mối tiếp vận, dịch vụ cảng, kho và công trình đầu mối), hệ thống các trung tâm chuyên ngành cấp vùng mới (về công nghiệp, thương mại, y tế, đào tạo, hệ thống đô thị) để tạo ra lực tăng trưởng mới cửa ngõ phía Nam TP, giảm tải sức ép về phát triển tại khu vực trung tâm, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn của huyện Phú Xuyên.
Quy hoạch cũng củng cố và xây dựng mới các cơ sở kinh tế, bố trí hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật của huyện Phú Xuyên để mở rộng mạng lưới hệ thống đô thị và các điểm dân cư nông thôn theo mô hình nông thôn mới để tương thích với mô hình phát triển của vùng huyện với trọng tâm phát triển là công nghiệp và dịch vụ.
Quy hoạch nhằm định hướng phát triển không gian (tính chất, phạm vi, quy mô và nguyên tắc phát triển, quy hoạch sử dụng đất) các vùng chức năng tổng hợp hoặc chuyên ngành cho toàn huyện bao gồm công nghiệp, đô thị, trung tâm chuyên ngành, đầu mối hạ tầng, nông nghiệp, lâm nghiệp, du lịch, sinh thái, bảo tồn; trên nền tảng về điều kiện hiện trạng, tiềm năng phát triển của huyện bảo đảm đô thị phát triển bền vững, năng động, hiệu quả; củng cố và xây dựng mới hệ thống hạ tầng môi trường (hạn chế ngập, lụt, giảm thiểu tác động môi trường của các hoạt động sản xuất) để tạo ra cấu trúc phát triển bền vững.
Dự báo, đến năm 2020, tổng diện tích đất xây dựng đô thị, nông thôn của huyện Phú Xuyên khoảng 2.800ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 1.500ha; đến năm 2030, tổng diện tích đất xây dựng đô thị, nông thôn khoảng 3.800ha, trong đó đất xây dựng đô thị khoảng 2.250ha.
Quy mô dân số đến năm 2020 của huyện khoảng 220-240 nghìn người, trong đó dân số đô thị khoảng 40-60 nghìn người, tỷ lệ đô thị hóa là 20-25%; đến năm 2030 dân số của huyện khoảng 240-270 nghìn người, tỷ lệ đô thị hóa là 25-30%.
Theo KTĐT