Trước tình hình vi phạm trật tự xây dựng nghiêm trọng đang tái diễn trên địa bàn, phiên họp giao ban quý II/2012 ngày 26/6 của lãnh đạo Hà Nội với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã đã dành thời gian bàn thảo về nội dung này.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi cho biết, trong gần 2 năm qua, Thành phố đã phát hiện 1.700 trường hợp vi phạm. Đến nay, vẫn còn gần 800 trường hợp vi phạm chưa được xử lý.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Hà Nội, từ ngày 1/1/2010 đến nay, Quốc Oai, Sóc Sơn, Từ Liêm là 3 huyện được phát hiện có số trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp, đất công nhiều nhất, lần lượt là 382, 296 và 170 trường hợp.
Ngoài công trình vi phạm tại số 55A, 55B, 55D phố Bà Triệu (Hoàn Kiếm), công trình của Học viện Phật giáo tại xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn, trên địa bàn Thành phố còn một số công trình vi phạm nổi cộm đang được xử lý như khu nhà liền kề tại Khu đô thị Mỗ Lao (Hà Đông); công trình xây dựng tại đường Trần Quốc Hoàn (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy); các công trình tại phố Bùi Thị Xuân, Triệu Việt Vương, Mai Hắc Đế, Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng).
Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho rằng, vi phạm trật tự xây dựng hàng loạt tại phường Bùi Thị Xuân, Lê Đại Hành ngay cạnh trụ sở quận Hai Bà Trưng và Sở Xây dựng là khó có thể chấp nhận được về mặt quản lý nhà nước.
Đối với việc giải quyết nhà "siêu mỏng, siêu méo" trên địa bàn một số quận, huyện, theo số liệu tổng hợp từ trước đến nay, trên địa bàn Thành phố Hà Nội có 597 trường hợp nhà, đất không đủ điều kiện để xây dựng. Theo chỉ đạo của UBND Thành phố, các sở, ngành, quận, huyện đã phối hợp tích cực giải quyết xong 203 trường hợp, còn lại 394 trường hợp đang được các quận, huyện tập trung giải quyết và không để phát sinh thêm khi cải tạo, chỉnh trang tuyến đường...
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo yêu cầu Chủ tịch UBND 29 quận, huyện, thị xã thành lập các đoàn thanh tra để kiểm tra toàn diện tình hình vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quản lý và hoàn thành nhiệm vụ này trong quý III năm nay.
Ông Nguyễn Thế Thảo cũng yêu cầu các sở, ngành, quận, huyện, thị xã thời gian tới tiếp tục tăng cường quản lý cấp phép xây dựng theo quy định, nhất là từ khâu chấp nhận kiến trúc và ngăn chặn tất cả những tình trạng cố ý làm trái trong cấp phép xây dựng; rút ngắn thủ tục làm đơn giản hóa cấp phép, đơn giản hóa các thủ tục.
Đặc biệt, phải thanh tra, kiểm tra hậu cấp phép xây dựng và xử lý nghiêm minh, không chỉ xử lý chủ đầu tư mà còn xử lý cả những tổ chức, cơ quan, cá nhân đã để xảy ra vi phạm; tiếp đó chấn chỉnh bộ máy đi liền chế tài về khen thưởng, xử phạt kể cả đối với cán bộ trực tiếp tham gia.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị yêu cầu, các cấp, các ngành từ thành phố xuống cơ sở phải xác định rõ, tăng cường quản lý trật tự xây dựng là nhiệm vụ trọng tâm, phải làm thường xuyên và toàn diện; ra quân đồng bộ, chặt chẽ xử lý quyết liệt, triệt để các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, tạo ra sự chuyển biến rõ nét về quản lý đô thị trong thời gian tới.
Bí thư Phạm Quang Nghị đề nghị HĐND thành phố coi quản lý trật tự xây dựng đô thị là một trong những nội dung trọng tâm trong hoạt giám sát thời gian tới; UBND thành phố cũng cần chỉ đạo để tăng cường công khai thông tin về thủ tục cấp phép xây dựng, quy hoạch, quy định, quy chuẩn liên quan để mở rộng các kênh giám sát kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm.
Đối với việc xử lý các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu trước hết phải áp dụng các biện pháp nghiêm khắc như đã từng thực hiện những năm 2006, 2007 như “cắt ngọn”, không cung cấp điện, nước, không cho vận chuyển vật liệu xây dựng… Các trường hợp cán bộ có sai phạm liên quan phải được xử lý nghiêm.
Theo : chinhphu.vn