Theo Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, trong giai đoạn 2011-2015, thành phố cần đến 18.720 tỷ đồng để thực hiện các bước chuẩn bị đầu tư, đầu tư xây dựng chín nhà máy xử lý nước thải và một số dự án cải tạo, chống ô nhiễm các hồ nội thành.
Hệ thống xử lý nước thải của nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.
Cụ thể, Hà Nội sẽ xây dựng hệ thống thu gom nước thải lưu vực S1 về nhà máy xử lý nước thải Yên Sở theo hình thức xã hội hóa với kinh phí khoảng 2.000 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải hồ Bảy Mẫu (công suất 13.300m3/ngày đêm) và hệ thống thu gom (thuộc dự án thoát nước Hà Nội-Dự án 2) với kinh phí 600 tỷ đồng (vay vốn ODA);
Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Đầm Bẩy, Hồ Tây (công suất 15.000m3/ngày đêm) theo hình thức xã hội hóa 400 tỷ đồng; dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (công suất 270.000m3/ngày đêm) và hệ thống thu gom (vốn ODA 4.200 tỷ đồng và ngân sách 1.800 tỷ đồng);
Dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Phú Đô (công suất 84.000m3/ngày đêm) và hệ thống thu gom (vốn xã hội hóa 3.000 tỷ đồng); dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Tây Hồ Tây (công suất 61.400m3/ngày đêm) và hệ thống thu gom (theo phương thức xã hội hóa 3.000 tỷ đồng); dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Hà Đông giai đoạn 1 (công suất 20.000m33/ngày đêm) và hệ thống thu gom (vốn ODA 280 tỷ đồng, ngân sách 120 tỷ đồng); dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải Sơn Tây giai đoạn 1 (công suất 9.000m3/ngày đêm) và hệ thống thu gom (vốn ODA 175 tỷ đồng và ngân sách 75 tỷ đồng); các dự án cải tạo, chống ô nhiễm các hồ nội thành được đầu tư theo phương thức xã hội hóa (2.620 tỷ đồng) và ngân sách nhà nước (50 tỷ đồng).
Riêng trong năm 2012, thành phố sẽ hoàn thành việc tiếp nhận, bàn giao và đưa vào vận hành Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở (công suất 200.000m3/ngày đêm).
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Văn Khôi yêu cầu Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng thành phố phải tập trung nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách giải phóng mặt bằng, giảm bớt thời gian, quá trình thực hiện các thủ tục hành chính, tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án; ưu tiên bố trí đủ quỹ nhà, quỹ đất phục vụ tái định cư.
Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện công tác giải phóng mặt bằng các dự án; kịp thời giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo thành phố chỉ đạo giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trên./.
Theo TTXVN/Vietnam+