Vùng kinh tế trọng điểm
Tỉnh Vĩnh Phúc nằm ở đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, với diện tích tự nhiên khoảng 1231,8km2, dân số hơn 1 triệu người. Tỉnh thuộc Vùng Thủ đô Hà Nội, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, và thuộc vùng lan tỏa của tam giác kinh tế: Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long. Hệ thống giao thông của tỉnh đa dạng, có đường sắt Hà Nội - Lào Cai, QL2A, trong tương lai có đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai; đường thủy có sông Lô và sông Hồng, liền kề với cảng hàng không Quốc tế Nội Bài, QL2 tiếp nối trục QL18 với cảng Cái Lân.
Nằm ở vị trí đầy “địa lợi” như vậy, Vĩnh Phúc có điều kiện giao lưu kinh tế, văn hóa với các tỉnh và cả nước, thu hút đầu tư, tiếp nhận nhanh các thông tin và công nghệ tiên tiến từ thủ đô Hà Nội để hình thành các KCN và đô thị lớn, có tiềm năng lớn và nhiều lợi thế để tham gia vào quá trình liên kết, hợp tác và phát triển với các địa phương trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, tỉnh có ba vùng sinh thái đặc trưng (đồng bằng, trung du, miền núi), có tiềm năng phát triển du lịch, đặc biệt là các tuyến du lịch bằng đường bộ xuất phát từ Thủ đô Hà Nội như thị trấn nghỉ mát Tam Đảo, khu du lịch Đại Lải, khu danh thắng Tây Thiên với nhiều di sản lịch sử văn hóa được xếp hạng, phục vụ phát triển du lịch.
Ngày 29/4/2010, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã kết luận tại thông báo số 1696 TB/TU nêu rõ: “Việc nghiên cứu đồ án quy hoạch phát triển đô thị Vĩnh Phúc là rất cần thiết do yêu cầu phát triển, nhất là tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh hơn thời kỳ sản xuất nông nghiệp và giai đoạn đầu của quá trình phát triển công nghiệp. Từ sau khi tái lập tỉnh năm 1997, đô thị Vĩnh Yên, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh cùng với đô thị Phúc Yên có những bước phát triển mạnh mẽ, bước đầu hình thành những nét cơ bản của một đô thị hiện đại. Tuy nhiên do công tác quy hoạch quản lý đô thị thiếu đồng bộ, nên việc phát triển đô thị còn mang tính tự phát. Dự báo trong thời gian tới, cùng với quá trình CNH, HĐH diễn ra mạnh mẽ, quá trình đô thị hóa ở Vĩnh Phúc sẽ diễn ra với tốc độ nhanh. Vì vậy Vĩnh Phúc phải chủ động quy hoạch phát triển đô thị làm công cụ để quản lý và phát triển đô thị, thực hiện kế hoạch đầu tư, thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển”.
Đô thị lớn, bền vững
Theo chủ trương của Tỉnh ủy Vĩnh Phúc, công tác quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc luôn gắn với mục tiêu phải gắn kết chặt chẽ và hài hòa giữa đô thị Vĩnh Phúc với Thủ đô Hà Nội, vùng Thủ đô và vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ; trên cơ sở tăng cường hợp tác quốc tế, gắn với các hành lang kinh tế; đặc biệt là hành lang kinh tế Côn Minh - Hà Nội - Hải Phòng, nhằm khai thác tối đa các tiềm năng và lợi thế của địa phương, phát huy nội lực để xây dựng đô thị Vĩnh Phúc có tầm và vị trí xứng đáng trong vùng Thủ đô Hà Nội và cả nước. Xây dựng đô thị hạt nhân - hợp nhất bao gồm TP Vĩnh Yên, TX Phúc Yên, huyện Bình Xuyên và các KĐT hóa nhanh thuộc các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương, Tam Đảo để từng bước hình thành một đô thị loại I trực thuộc tỉnh Vĩnh Phúc trong tương lai.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc Nguyễn Đạm, đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã phát huy các tiềm năng của tỉnh để xây dựng nền kinh tế đô thị trọng tâm là công nghiệp, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp, đồng thời hướng tới sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp có khả năng phát triển bền vững dựa vào việc liên kết các ngành. Phát huy lợi thế về vị trí và tính tiện lợi cao trong giao thông liên vùng để thực hiện tăng cường liên kết, bổ trợ lẫn nhau với Thủ đô, khu vực xung quanh, hướng tới trở thành một trọng điểm kinh tế lớn có khả năng thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế khu vực Bắc bộ.
Theo đó, phân công chức năng của các KĐT và đơn vị hành chính cấu thành đô thị Vĩnh Phúc sẽ hướng tới như TP Vĩnh Yên là vị trí trung tâm của tỉnh Vĩnh Phúc, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội của tỉnh, tập trung các cơ quan nhà nước như Tỉnh ủy, UBND... các công trình giáo dục, y tế. Để đáp ứng nhu cầu đất do gia tăng dân số trong tương lai, cần mở rộng khu vực của TP. TX Phúc Yên, là đô thị thứ 2 của tỉnh Vĩnh Phúc hình thành dọc theo QL2A. Gần với TP Hà Nội, là cửa ngõ của tỉnh, nên cần tích cực đô thị hóa, tăng cường liên kết với Vĩnh Yên. Huyện Bình Xuyên, là khu vực đã và đang tiến hành xây dựng các KCN, có vai trò là khu vực tích cực thực hiện CNH đến năm 2030. Huyện Tam Đảo, là khu vực miền núi phía Bắc của tỉnh, có môi trường tự nhiên trù phú, là trọng điểm du lịch tiêu biểu của tỉnh, với mục tiêu phát triển các khu nghỉ dưỡng hài hòa với thiên nhiên. Huyện Tam Dương, là khu vực trung du ở phía Bắc của tỉnh. Phía Nam của huyện đã được quy hoạch KCN, sẽ phát huy đặc điểm địa hình của khu vực để tiến hành CNH, các khu vực còn lại sẽ trên nguyên tắc bảo tồn đất nông nghiệp, đất rừng, có vai trò là khu vực tích cực thúc đẩy sự phát triển của nông lâm nghiệp trong tương lai. Khu vực huyện Lập Thạch, huyện Sông Lô, cũng như huyện Tam Dương, là khu vực ở miền trung du của tỉnh. Tại đây hầu như không có đô thị, toàn khu vực hầu hết là đất nông nghiệp và lâm nghiệp. Sẽ thúc đẩy sản xuất rau quả, gỗ, chăn nuôi gia súc. Khu vực huyện Vĩnh Tường, huyện Yên Lạc, là trọng điểm sản xuất lúa gạo ở phía Nam của tỉnh, phần lớn diện tích là đất nông nghiệp. Ở phần tiếp giáp với Vĩnh Yên sẽ được tiến hành đô thị hóa, còn lại sẽ theo nguyên tắc bảo tồn đất nông nghiệp, thúc đẩy sự phát triển của nông nghiệp.
Nâng cao mức sống người dân
Theo các chuyên gia, nhà quản lý xây dựng, bản Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050 đã được thực hiện dựa trên kết quả nghiên cứu tài liệu thu thập, kết hợp với khảo sát hiện trạng và thị sát thực địa, kết quả điều tra giao thông... theo nhiệm vụ quy hoạch và yêu cầu của tỉnh Vĩnh Phúc. Quy hoạch chung này sẽ xúc tiến đẩy mạnh đầu tư, gia tăng ngân sách từ thuế, đảm bảo tạo việc làm ổn định cho người lao động và thúc đẩy nền kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc phát triển vững mạnh, đồng thời góp phần nâng cao mức sống của người dân.
Trao đổi với Báo Xây dựng, Giám đốc Sở Xây dựng Vĩnh Phúc Nguyễn Đạm cho biết trong thời gian tới, sau khi công bố nội dung quy hoạch, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ xúc tiến xây dựng cơ chế quản lý, thực thi quy hoạch đô thị và hoàn thiện thủ tục thẩm định, phê duyệt quy hoạch nhằm thúc đẩy quá trình CNH, đô thị hóa. Lập thẩm định các quy hoạch chi tiết trên cơ sở quy hoạch chung và thực hiện quy hoạch chi tiết đô thị làm điển hình về việc phát triển đô thị có hạt nhân là giao thông công cộng. Thực hiện quy hoạch xây dựng công viên để góp phần nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Thực hiện các quy hoạch chi tiết có liên quan đến trục không gian Bắc Nam (trục tâm linh). Thực hiện quy hoạch chi tiết cải tạo sông tại các sông trọng yếu. Thực hiện quy hoạch, thiết kế chi tiết các hồ điều tiết và triển khai các dự án đầu tư theo kế hoạch đầu tư xây dựng đô thị được duyệt.
Ba vùng trọng điểm của đô thị Vĩnh Phúc
Về phương hướng phát triển hệ thống các đô thị tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Vĩnh Phúc sẽ được phân thành 3 vùng: Vùng đô thị, công nghiệp, dịch vụ: Toàn khu vực TP Vĩnh Yên, một phần TX Phúc Yên và một phần các huyện Bình Xuyên, Tam Dương, Yên Lạc, Vĩnh Tường. Tạo ra sự thịnh vượng bền vững, trên cơ sở xây dựng một đô thị phát triển kinh tế đi đôi với nâng cao đời sống xã hội, bảo vệ môi trường, đạt tiêu chuẩn của đô thị loại I giữ vai trò quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ và cả nước. Vùng phát triển nông lâm thủy sản bao gồm: Toàn khu vực các huyện Lập Thạch, Sông Lô, một phần các huyện Yên Lạc, Vĩnh Tường, Tam Dương. Có hạ tầng sản xuất chất lượng cao của tỉnh, giúp đảm bảo nguồn lương thực thực phẩm an toàn, đáng tin cậy. Vùng bảo tồn tự nhiên và phát triển du lịch bao gồm: Toàn khu vực huyện Tam Đảo, một phần TX Phúc Yên, một phần huyện Bình Xuyên. Phát triển các khu nghỉ dưỡng ven đô tiêu biểu của miền Bắc gắn với các vùng bảo vệ thiên nhiên, nơi có thể tiếp cận được với lịch sử và thiên nhiên trù phú. Ngoài ra, ở xung quanh khu vực đất xây dựng đô thị, bố trí vành đai xanh gắn kết với đất nông nghiệp và nông thôn, để hình thành vành đai xanh phát huy được bố trí sử dụng đất hiện hữu. Chiều rộng của vành đai xanh dọc các tuyến đường được thiết lập dựa theo hình thái đường và mục đích sử dụng đất ven đường. Vành đai xanh bao quanh ranh giới khu vực đất xây dựng đô thị được thiết lập chiều rộng từ 0,5 - 1km.
Theo Báo Xây dựng điện tử