Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ký ban hành Quyết định số 2260/QĐ-UBND, điều chỉnh một số nội dung tại Quyết định số 4324/QĐ-UBND ngày 6/9/2010 của UBND TP về việc phê duyệt Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết khu vực xung quanh Hồ Tây, tỷ lệ 1/2000.
Ảnh minh họa.
Theo quyết định, tên đồ án là Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận (A6), tỷ lệ 1/2000. Phạm vi, ranh giới nghiên cứu quy hoạch: Phía Đông Bắc giáp đường Nghi Tàm và đường Âu Cơ; phía Tây Bắc giáp đường vành đai 2 nối với đường Xuân La; phía Tây Nam giáp đường Lạc Long Quân; phía Đông Nam giáp đường Thanh Niên; phía Nam giáp đường Hoàng Hoa Thám. Tổng diện tích đất nghiên cứu quy hoạch khoảng 992ha, quy mô dân số khoảng 58.000 người.
Các nội dung khác của Nhiệm vụ quy hoạch giữ nguyên theo nội dung đã được UBND TP phê duyệt tại Quyết định số 4324/QĐ-UBND ngày 6/9/2010. Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội tổ chức nghiên cứu lập đồ án quy hoạch phân khu theo đúng quy trình, quy định hiện hành. Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định, trình duyệt theo quy định. Theo Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội, Quy hoạch phân khu đô thị khu vực Hồ Tây và phụ cận nằm trong Đồ án Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phân khu đô thị khu vực xung quanh Hồ Tây thuộc địa giới hành chính quận Tây Hồ là 1 trong 7 tiểu phân khu đặc biệt nằm trong khu vực nội đô lịch sử, tiếp giáp với hành lang xanh sông Hồng.
Ý tưởng chủ đạo của quy hoạch là cầu nối giữa không gian di tích Cổ Loa (đô thị cổ- quá khứ) với khu đô thị Tây Hồ Tây (đô thị hiện đại- tương lai).
Bên cạnh đó, khu vực này cũng là điểm nhấn không gian cho trục Hòa Lạc- Trần Duy Hưng- Nguyễn Chí Thanh- Văn Cao. Quy hoạch nhấn mạnh đến việc bảo tồn và khai thác đặc trưng văn hóa, cảnh quan của hồ Tây và các di tích quanh hồ. Bảo tồn cảnh quan và khu dân cư làng nghề truyền thống xung quanh hồ Tây, thúc đẩy giao thông công cộng, cải thiện chất lượng sống khu dân cư, cung cấp tiện ích công cộng và du lịch chất lượng cao.
Tiếp đó là phát triển hệ thống không gian mở, công viên cây xanh, quảng trường, trục đi bộ hướng ra hồ Tây để tổ chức các sự kiện văn hóa lớn của thành phố và quốc gia. Kiểm soát chặt chẽ các hoạt động xây dựng mới xung quanh hồ, hệ thống hạ tầng đô thị phục vụ cho yêu cầu cảnh quan của khu phố.
Theo Kinh tế đô thị