Ông Trần Chí Công, Phó giám đốc Sở Xây dựng Hậu Giang cho biết: Hậu Giang là tỉnh mới được tái lập nên nhu cầu về xây dựng cơ bản rất lớn. Hiện có 19 đô thị đã được tỉnh phê duyệt lộ trình phát triển, đặc biệt năm 2015 Thành phố Vị Thanh sẽ được nâng cấp lên đô thị loại II nên nhu cầu sử dụng VLXD là rất nhiều.
Theo Thông tư 09 của Bộ Xây dựng thì từ năm 2013 các công trình xây dựng bằng vốn Ngân sách phải sử dụng 100% gạch không nung và sau 2015 thì tất cả các công trình không phân biệt nguồn vốn phải sử dụng gạch không nung. Sau hội thảo Sở sẽ trình UBND tỉnh lộ trình cụ thể sử dụng gạch không nung, đặc biệt là các công trình công cộng.
Tới dự và chỉ đạo Hội thảo, ông Hoàng Vĩnh Toàn, Cục phó Cục công tác phía nam Bộ Xây dựng cho biết: Hiện nay, tại nhiều địa phương tình hình triển khai Chương trình VLXKN trong thực tế còn nhiều khó khăn, việc thực hiện Chương trình còn chậm, chưa thấy hết được tầm quan trọng của việc tiết kiệm đất sét, than (loại tài nguyên không thể tái tạo) và việc giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất gạch không nung.
Hậu Giang là tỉnh nằm trong khu vực DDBSCL, có nhu cầu sử dụng gạch xây không lớn, nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất VLXKN lại khan hiếm, không thuận lợi cho việc phát triển VLXKN.
Mặt khác tỉnh lại nằm trên vùng đất yếu, vùng trũng, nguyên liệu sản xuất gạch đất sét nung cũng hạn chế. Tuy nhiên sắp tới tại huyện Long Mỹ sẽ đưa vào hoạt nhà máy nhiệt điện với công suất 10MW/ngày và sẽ thải ra một lượng lớn phế liệu, tro bay. Đây là một trong những nguyên liệu để sản xuất VLXKN.
“Hội thảo về VLXKN là cơ hội tốt để các doanh nghiệp sản xuất VLXD đầu tư, nghiên cứu đổi mới công nghệ và thiết bị để sản xuất VLXKN, đặc biệt là phát triển sản xuất các vật liệu nhẹ, cấu kiện bê tông nhẹ để đa dạng hoá vật liệu xây và giảm tải trọng công trình, phấn đấu tăng năng suất, giảm giá thành sản phẩm... để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường và đặc thù nền đất yếu của vùng ĐBSCL. Vì Hậu Giang không có nhiều lò gạch nung nên rất thuận lợi cho khuyến khích đầu tư dây truyền sản xuất gạch không nung.
Hơn nữa bên cạnh Hậu Giang là Cần Thơ - thị trường rất lớn hấp dẫn để thu hút nhiều trong đầu tư xây dựng. Bên cạnh đó Cần Thơ là thành phố trực thuộc trung ương nên chắc chắn sẽ không còn các nhà máy sản xuất gạch trên địa bàn mà phải di rời ra các địa phương lân cận, trong đó Hậu Giang là tỉnh có nhiều ưu thế trong việc lựa chọn”, ông Toàn nhấn mạnh.
Theo : Báo Xây dựng điện tử