Liên kết phát triển chùm đô thị Điện Bàn-Đà Nẵng-Hội An

Thứ hai, 17/03/2014 14:50
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Ngày 15/3, tỉnh Quảng Nam tổ chức Hội thảo định hướng liên kết phát triển bền vững đô thị Điện Bàn với Đà Nẵng và Hội An.

Ảnh VGP/Thế Phong.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND huyện Điện Bàn (Quảng Nam), cho biết: Điện Bàn nằm ở phía Đông Bắc tỉnh Quảng Nam, giữa 2 đô thị hiện hữu có bản sắc riêng là Đà Nẵng và Hội An. Vị trí địa lý, sự đồng nhất về nền tảng văn hóa và con người xứ Quảng là điều kiện thuận lợi để Đà Nẵng, Điện Bàn và Hội An cùng thống nhất hoạch định chiến lược, kế hoạch phát triển, phân bố lại nguồn lực hợp lý trên cơ sở liên kết đầu tư hạ tầng đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch...

Qua đó, hình thành một chuỗi đô thị tăng trưởng mạnh mẽ, xứng tầm đóng vai trò động lực cho sự phát triển của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Đồng thời, hướng đến xây dựng thương hiệu chung cho một khu vực đô thị năng động, sinh thái, văn hóa mang tầm cỡ Đông Nam Á.

Tại hội thảo, các ý kiến đã tập trung thảo luận và thống nhất cao về một không gian mở gồm Đà Nẵng, Điện Bàn và Hội An, trong đó định vị rõ Điện Bàn liên kết với 2 đô thị còn lại để phát triển một cụm đô thị.

TS Trần Du Lịch, Trưởng nhóm Tư vấn phát triển Vùng, cho rằng: Để giải quyết bài toán liên kết không gian đô thị Đà Nẵng, Điện Bàn và Hội An, trước hết các nhà lãnh đạo Quảng Nam và Đà Nẵng cần thống nhất chung, cùng nhìn một hướng để tìm thế mạnh, cùng hỗ trợ nhau phát triển và trên cơ sở đó chia sẻ nguồn lực, kể cả nguồn lực đầu tư của Nhà nước.

Đồng thời, 3 địa phương cần tập trung giải quyết được 4 liên kết, gồm: Liên kết không gian phát triển, tức là bố trí lực lượng sản xuất, quy hoạch công nghiệp, dịch vụ…; xử lý vấn đề kết nối hạ tầng chung để giảm chi phí kết nối của các nhà đầu tư; phát triển, bố trí nhân lực chung để hỗ trợ lẫn nhau mà không cạnh tranh; giải quyết môi trường chung và không mâu thuẫn với sự phát triển của cả 3 địa phương.

Theo KTS. Trần Ngọc Chinh, Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, liên kết là cơ hội để Điện Bàn đón nhận sự phát triển ra phía Nam của thành phố Đà Nẵng, và sự phát triển mở rộng của Hội An, do vậy, Điện Bàn nên bắt tay làm ngay cơ sở hạ tầng khu đô thị đại học với diện tích khoảng 200 ha. Đồng thời, tiếp tục đầu tư dự án khu đô thị Điện Nam-Điện Ngọc với 2.700 ha, trong đó khu công nghiệp là 290 ha; đẩy nhanh tiến độ dự án nạo vét sông Cổ Cò vào mục đích phát triển du lịch, sinh thái kết nối Đà Nẵng với Hội An…

Nói về giải pháp phát triển đô thị Điện Bàn, PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam, cho rằng: Điện Bàn có vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên tuyệt vời, có biển, có sông Cổ Cò kết nối Đà Nẵng với Hội An rất tự nhiên, đặc biệt đây là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có nhiều làng nghề truyền thống nổi tiếng…do vậy, cần khai thác lịch sử, văn hóa và địa thế đẹp đẽ của vùng đất này để phát triển.

Nhấn mạnh vai trò của công nghiệp trong quá trình phát triển Điện Bàn, PGS.TS Trần Văn Nam, Giám đốc Đại học Đà Nẵng, nói: Công nghiệp là hướng đi thích hợp của Điện Bàn trong mối quan hệ với Đà Nẵng và Hội An là các thành phố du lịch-dịch vụ, công nghiệp, cũng là hướng đi để giải quyết nguồn lao động nông thôn rất dồi dào tại địa phương.

Bên cạnh đó, cần khôi phục các làng nghề truyền thống để phát triển sản phẩm thủ công, mỹ nghệ, nhằm gắn kết, hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển du lịch, dịch vụ của Đà Nẵng và Hội An.

Ngày 3/3/2014, Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Phó thủ  tướng Hoàng Trung Hải đồng ý bổ sung đô thị Điện Bàn vào danh mục nâng loại đô thị  quốc gia giai đoạn 2012-2015 trong Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020. Ngày 10/3/2014, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã ký quyết  định công nhận đô thị Điện Bàn đạt chuẩn loại 4.

Theo Chinhphu.vn

 

 

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)