Tại hội thảo, các ý kiến đều nêu bật, Bắc Giang có vị trí địa lý thuận lợi do nằm gần các trung tâm kinh tế lớn của miền Bắc; có điều kiện tốt để phát triển kinh tế do nằm trên trục hành lang kinh tế Hà Nội- Lạng Sơn và có nhiều tuyến đường quan trọng đi qua để kết nối giữa các tỉnh phía Bắc với nhau như: Quốc lộ 1, 31, 279, 37 đi Thái Nguyên, đường nối với quốc lộ 18 đi Hải Dương, tuyến nhánh đường 293 đi Quảng Ninh.
Các đại biểu cũng nhấn mạnh, Bắc Giang được quy hoạch trong vùng Thủ đô Hà Nội, tương lai sẽ có tuyến đường vành đai 5 đi qua, đây là tuyến giao thông quan trọng liên kết giữa 8 tỉnh thuộc vùng Thủ đô Hà Nội. Ngoài ra, Bắc Giang còn là tỉnh có vị trí chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng đối với khu vực Đông Bắc và cũng là tỉnh có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch bởi có nhiều sông, hồ, cảnh quan thiên nhiên đẹp và có nhiều lễ hội, di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia có giá trị.
Ngoài việc nêu những tiềm năng, thế mạnh của tỉnh, 11 ý kiếm tham luận tại hội thảo của các nhà khoa học, chuyên gia, quản lý, lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương còn chỉ ra những điểm hạn chế cần khắc phục trong kiến trúc đô thị của Bắc Giang như: Quy hoạch đô thị dàn trải, thiếu tập trung; không có nét kiến trúc riêng biệt…
Nhiều ý kiến đã được nêu tại hội thảo về "Điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị tỉnh Bắc Giang đến năm 2030".
Nhiều đại biểu đưa ra một số giải pháp giúp các nhà quản lý, quy hoạch đô thị của Bắc Giang có những điều chỉnh cần thiết khi tiến hành quy hoạch phát triển đô thị tổng thể như, phải có quyết tâm chính trị của cả tỉnh và huyện trong công tác phát triển hệ thống đô thị; thu hút đầu tư, tạo động lực cho phát triển đô thị; không đô thị hoá nông thôn mà hiện địa hoá nông thôn…
Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Lại Thanh Sơn đánh giá cao và tiếp thu những ý kiến đóng góp của các nhà chuyên môn, đồng thời chỉ đạo các ngành liên quan đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng chậm phát triển của đô thị Bắc Giang.
Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, phát triển đô thị xanh gắn với quy hoạch sử dụng đất đai, nguồn nước, chất thải rắn; gắn với bảo vệ di tích, thắng cảnh, bản sắc văn hoá vùng miền; tạo sự đồng thuận của người dân, xây dựng đô thị không được xa rời xây dựng nông thôn mới.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu đơn vị tư vấn, các nhà quản lý, quy hoạch xây dựng trong tỉnh nghiên cứu, bổ sung, sớm đưa ra giải pháp để chỉnh sửa, bổ sung các nội dung của quy hoạch hệ thống đô thị tỉnh Bắc Giang một cách sâu sắc, toàn diện, thể hiện được cách tiếp cận mới trong lập quy hoạch, quản lý và tổ chức thực hiện quy hoạch đô thị để từ nay đến năm 2030 Bắc Giang có tốc độ đô thị hoá ngang bằng khu vực và cả nước.
Theo Baobacgiang