Theo Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, đây là chủ trương của Thành phố khi xây dựng dự thảo Quy định một số nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng các dự án trên địa bàn Thành phố.
Dự thảo này đã được lãnh đạo Thành phố Hà Nội và Giám đốc một số Sở, ngành liên quan thảo luận trong phiên họp của UBND Thành phố vào sáng nay 22/9.
Theo các đại biểu, có nhiều khó khăn trong quản lý nhà nước đối với các dự án đầu tư, xây dựng, nhất là các dự án có sử dụng đất ở Hà Nội. Trong đó, nổi lên là quy định về thủ tục, trình tự đầu tư.
Thành phố thực hiện thủ tục đầu tư “một cửa liên thông” nhưng thực tế phải qua nhiều cửa vì vẫn phải xin ý kiến thẩm định của nhiều sở, ngành; chưa có chế tài xử lý các trường hợp vi phạm, quy định về trách nhiệm của chủ đầu tư đô thị đối với hạ tầng xã hội, hạ tầng khung, trách nhiệm thẩm định, giám sát, quản lý dự án; cấp chỉ giới đường đỏ…
Thời gian qua, nhiều chủ đầu tư đề nghị chấp thuận mục đích sử dụng đất là xây dựng văn phòng cho thuê, sau đó lấy lý do văn phòng cho thuê bị ế, xin điều chỉnh thành nhà hỗn hợp có căn hộ cho thuê, sau lại biện lý do căn hộ cho thuê cũng bị ế, nên xin phép được bán căn hộ.
Trường hợp khác, doanh nghiệp phải di dời khỏi nội đô vì gây ô nhiễm môi trường, nhưng thay vì trả lại đất cho thành phố lại “nhùng nhằng” để được đầu tư thành nhà ở để bán. Hay việc chủ đầu tư xây khu đô thị 200-300 ha, bán nhà với giá rất cao thu nhiều lợi nhuận, nhưng đẩy cho nhà nước đầu tư xây dựng hạ tầng là không phù hợp.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cho rằng, thực trạng này vừa làm phá vỡ quy hoạch vừa gây thất thoát tài sản của nhà nước, nên quy định mới phải giải quyết cho được.
Từ thực tế trên đây Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo lưu ý, cần làm rõ một số nội dung trong Quy định về quản lý đầu tư và xây dựng các dự án trên địa bàn Thành phố để khắc phục những “lỗ hổng” trong quản lý.
Dự thảo Quy định, nội dung về quản lý đầu tư và xây dựng các dự án trên địa bàn Thành phố phải thật cụ thể; công khai trách nhiệm, thẩm quyền của chính quyền các cấp, của chủ đầu tư. Quy định phải mang tính toàn diện, bảo đảm công tác quản lý nhà nước theo sát các dự án đầu tư, xây dựng trong một quy trình khép kíp từ chuẩn bị đầu tư, thẩm định, quyết định, giám sát, quản lý sử dụng, khai thác (bảo trì, bảo dưỡng công trình, cung cấp dịch vụ)…
Theo ông Nguyễn Thế Thảo, Quy định phải là cơ sở để khắc phục tình trạng chưa rõ ràng về trách nhiệm của các sở, ngành, chính quyền các cấp khi xảy ra những vấn đề liên quan đến các dự án, đầu tư.
Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội cũng lưu ý, để quy định “một cửa liên thông” được duy trì, quy định mới phải làm rõ trách nhiệm các sở, ngành và chính quyền các cấp; không để tái diễn chuyện mập mờ, nhầm lẫn về quyền hạn, trách nhiệm để có thể đùn đẩy, né tránh hay lạm dụng…
Về kế hoạch đầu tư, xây dựng, Quy định về quản lý đầu tư và xây dựng các dự án trên địa bàn Thành phố cũng phải xác định việc hàng năm Thành phố sẽ lập danh mục đầu tư trên cơ sở đề xuất của các ngành, các cấp, trình HĐND Thành phố quyết định.
Sau khi tiếp thu các ý kiến đóng góp, Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội sẽ hoàn thiện và trình Thành phố xem xét, ban hành.
UBND Thành phố Hà Nội kỳ vọng quy định mới này sẽ lấp các "lỗ hổng" trong quản lý nhà nước về đầu tư và xây dựng, vừa nâng cao trách nhiệm các cơ quan nhà nước, các nhà đầu tư, chống thất thoát, lãng phí.