Đồ án quy hoạch vùng du lịch quốc hoa Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do đơn vị tư vấn Liên doanh Dhevanand Co.,Ltd và R.K.V Engineering Consultant Co.,Ltd (Thái Lan) với Cty CP Trung Tín (Việt Nam) lập tháng 10/2010 với quy mô 18.940,77ha gồm 9 xã và 01 thị trấn thuộc 3 đơn vị hành chính cấp huyện là: TP. Thái Nguyên, huyện Phổ Yên, huyện Đại Từ. Tính chất vùng quy hoạch là trung tâm dịch vụ du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái và bảo tồn của tỉnh Thái Nguyên nói riêng và của khu vực phía Bắc Việt Nam.
Về vùng phát triển kinh tế được phân thành 2 khu: Khu vực phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản và Khu vực phát triển du lịch, thương mại dịch vụ và đô thị;
Mạng lưới đô thị trong vùng quy hoạch bao gồm: Thị trấn Quân Chu (huyện Đại Từ) hiện có và đô thị mới Phúc Xuân. Theo đó, định hướng thị trấn Quân Chu là đô thị cấp V, là trung tâm vùng phía Nam của huyện Đại Từ, trung tâm thương mại và dịch vụ hỗ trợ sự phát triển của Vùng du lịch Hồ Núi Cốc - cửa ngõ phía Nam kết nối với tỉnh Vĩnh Phúc và khu du lịch Tam Đảo. Dự kiến đến năm 2015, dân số thị trấn đạt khoảng 4,6-5 nghìn người, nhu cầu đất phát triển các chức năng đô thị (không kể đất khu du lịch) khoảng 32-35ha; đến năm 2020, dân số đạt 5,5-6 nghìn người, nhu cầu đất 44-48ha và đến năm 2030, dân số đạt 6,5-7 nghìn người, nhu cầu đất 59-62ha. Chỉ tiêu đất đô thị bình quân theo các giai đoạn 2015 - 2020 - 2030 là 80 - 85 - 90m2/người, trong đó đất ở đạt 40 - 45 - 50m2/người. Trong khi đó, đô thị mới Phúc Xuân sẽ là trung tâm hành chính, tài chính và thương mại, dịch vụ của vùng du lịch Hồ Núi Cốc. Dự kiến đến năm 2015, dân số đô thị này đạt khoảng 2,5-3,5 nghìn người, nhu cầu đất phát triển các chức năng đô thị (không kể đất khu du lịch) khoảng 18-24ha; đến năm 2020, dân số đạt 8-9 nghìn người, nhu cầu đất 65-70ha và đến năm 2030, dân số đạt 10-11,5 nghìn người, nhu cầu đất 90-100ha. Chỉ tiêu đất đô thị bình quân theo các giai đoạn 2015 - 2020 - 2030 là 70 - 80 - 90m2/người, trong đó đất ở đạt 40 - 45 - 50m2/người.
Về mạng lưới điểm dân cư nông thôn, lấy trung tâm xã làm hạt nhân mạng lưới điểm dân cư nông thôn được phát triển thành từng cụm tập trung trên cơ sở của các làng, xóm để phát triển kinh tế - xã hội, kết cấu hạ tầng, vùng sản xuất và du lịch,… Theo đó, trung tâm xã và các điểm dân cư nông thôn, được phát triển theo các tiêu chí về nông thôn mới, đáp ứng nhu cầu phát triển lâu dài của người dân nông thôn. Tại trung tâm các xã đều bố trí: Trường tiểu học, trung học cơ sở và trường mầm non; Trạm y tế, các công trình văn hoá thể thao,...
5 phân khu chức năng và tổ chức không gian vùng du lịch gồm: Khu du lịch, thể thao và thương mại dịch vụ tổng hợp; Khu giải trí, sân golf, du lịch sinh thái và vui chơi có thưởng; Trung tâm hành chính mới và du lịch sinh thái; Khu đô thị và dịch vụ du lịch- thị trấn Quân Chu, xã Quân Chu và Khu lâm viên: rừng phòng hộ và bảo vệ môi trường sinh thái.
Phát biểu tại Lễ công bố quy hoạch vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định, nội dung và sản phẩm đồ án quy hoạch vùng du lịch quốc gia Hồ Núi Cốc tỉnh Thái Nguyên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã đáp ứng được các yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội của vùng Hồ Núi Cốc về việc quản lý, bảo vệ và khai thác các thế mạnh, tiềm năng đa dạng, nhất là tiềm năng về phát triển dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, văn hóa lịch sử, thăm quan, nghiên cứu khoa học, thủy lợi…; đồng thời cũng đáp ứng các yêu cầu về phát triển khu trung tâm hành chính của tỉnh, các khu đô thị và điểm dân cư tập trung kiểu đô thị hiện đại gắn với vành đai nông thôn phát triển theo hướng văn minh, bền vững, bảo tồn được các giá trị văn hóa.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Thái Nguyên và các nhà đầu tư xác định được trách nhiệm của mình tập trung khai thác, phát huy tiềm năng khu du lịch lòng hồ, chỉ đạo quản lý, tổ chức thu hút đầu tư để Hồ Núi Cốc thực sự trở thành khu du lịch quốc gia, khu du lịch sinh thái và khai thác được các lợi thế của khu du lịch sinh thái này.
Phó Thủ tướng lưu ý tỉnh Thái Nguyên trong quá trình tổ chức và thực hiện đồ án cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan; khai thác có hiệu quả vùng Hồ Núi Cốc vừa là nguồn cung cấp nước cho sản xuất và dân sinh, đồng thời vừa là khu du lịch trọng điểm quốc gia, khu du lịch sinh thái, bảo tồn và phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc, bảo vệ đa dạng sinh học…
Cũng tại buổi lễ, tỉnh Thái Nguyên đã chính thức trao giấy chứng nhận đầu tư giai đoạn I (2011-2015) cho 10 nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký 9.645 tỷ đồng.
Theo Báo Xây dựng điện tử