Có thể nói lâu nay đầu tư bất động sản được coi là kênh đầu tư an toàn, hiệu quả và đơn giản nhất. Đó cũng là lý do mà tài sản tích lũy lớn nhất của đại bộ phận dân cư hiện nay chính là BĐS. Tuy nhiên, ở thời điểm này thì BĐS đang khiến nhiều nhà đầu tư (NĐT) lo lắng và phải tính toán kỹ làm thế nào không những bảo toàn được vốn mà vẫn có lãi. Trên thực tế, một số nhà đầu tư BĐS vốn ít thì đã rao bán ồ ạt, thậm chí là chấp nhận lỗ.
Thế nhưng ngược lại, người trường vốn thì cho rằng đây đang là thời điểm thuận lợi để tiếp tục mua vào. Các chuyên gia cho rằng đây không phải là đợt bán tháo mà do tín dụng được thắt chặt, nhiều NĐT không có tiền tiếp tục theo đuổi các dự án nên bán để thu hồi vốn, thậm chí là cắt lỗ.
Tuy nhiên hiện nay, việc bán hàng không dễ bởi lượng tiền mặt khan hiếm. Thêm vào đó, thời điểm này các NĐT không thể ôm BĐS để đầu cơ “lướt sóng”. Chính vì vậy, hầu hết NĐT đều chuyển hướng đến nguồn hàng đã hình thành, ổn định với vị trí đẹp và hầu như ít còn chú ý đến những dự án sẽ hình thành trong tương lai.
Anh Ngô Văn Tiến, một nhà đầu tư cho rằng: Khi mua một suất đất của các dự án, doanh nghiệp quy định khách hàng chỉ cần đặt cọc tiền, sau đó mới nộp tiền theo tiến độ của dự án.
Do đó nhà đầu tư chỉ cần đặt cọc, sau đó “lướt sóng” ăn chênh lệch nên đã đầu tư vượt quá khả năng tài chính. Khi thị trường trầm lắng không thể “lướt sóng”, áp lực nộp tiền theo tiến độ đè nặng thì họ buộc phải rao bán cắt lỗ nhằm lấy tiền cọc về, thậm chí chấp nhận mất tiền cọc vì không thể tiếp tục theo đuổi dự án nộp tiền theo tiến độ.
Bên cạnh đó, việc lãi suất tiết kiệm lên cao cũng khiến nhiều người rút vốn khỏi dự án. Giám đốc một sàn giao dịch bất động sản cũng cho rằng, khi việc vay vốn ngân hàng không còn dễ dãi như trước thì nhiều nhà đầu tư dù biết mối lớn, thấy tiềm năng vàng từ nhà đất cũng đành chịu. Muốn đầu tư BĐS, dù chỉ là kinh doanh dạng “ký gửi”, vốn huy động tối thiểu lên tới hàng chục tỷ đồng, đây không phải là khoản tiền vay đâu cũng được.
Thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, ngành Ngân hàng đã có những biện pháp cụ thể, trong đó liên quan đến lĩnh vực BĐS: Thực hiện giảm tốc độ và tỷ trọng dư nợ cho vay lĩnh vực phi sản xuất so với năm 2010, nhất là lĩnh vực BĐS, chứng khoán.
Cho đến nay, hầu hết các ngân hàng đều đã từ chối cho vay BĐS, hạn chế cho vay tràn lan và tiềm ẩn những yếu tố rủi ro như trước đây. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Ninh, đến hết tháng 5 dư nợ cho vay phi sản xuất trên địa bàn tỉnh là 9.000 tỷ đồng, chiếm 18,6% tổng dư nợ, trong đó: Dư nợ cho vay tiêu dùng là 4.600 tỷ, chiếm 9,5% tổng dư nợ; dư nợ cho vay đối với lĩnh vực BĐS và kinh doanh chứng khoán là 4.400 tỷ đồng, chiếm 9,09% tổng dư nợ cho vay (tỷ trọng này tại thời điểm 31-12-2010 là 11,4%).
Như vậy tỷ trọng này đã giảm đáng kể, tuy nhiên bù lại, các chuyên gia cho rằng đây là lúc thị trường BĐS được trả về đúng giá trị thực. Bởi lâu nay, BĐS luôn bị đẩy giá lên quá cao khiến những người có nhu cầu thực khó có thể mua được. Điều này có thể thấy hồi tháng 3 và 4 giá đất tại khu đô thị mới Vựng Đâng (TP Hạ Long) dao động từ 11 đến 13 triệu đồng/m2; khu đô thị Cột 5 - Cột 8 từ 12-20 triệu đồng/m2 tuỳ từng vị trí và diện tích.
Đến thời điểm hiện nay giá đất ở các khu đô thị này giảm khoảng 15-20%. Ngoài ra, nhiều dự án trên địa bàn tỉnh giá cũng đã giảm giá như khu đô thị Bến Gio (Cẩm Phả); Chạp Khê, Trưng Vương (Uông Bí)... Không chỉ đất dự án mà ngay cả đất thổ cư giá cũng đang chững lại. Chị Nguyễn Thị Lan (phường Yết Kiêu, TP Hạ Long), một nhà đầu tư “tay trái” cho biết, tháng trước chị vừa bán 100m2 tại khu 4, phường Hồng Hà (TP Hạ Long) với giá 12 triệu đồng/m2 sau khi đã lãi khoảng hơn 1 triệu đồng/m2 so với thời điểm từ giữa năm 2010. Thế nhưng, một nửa diện tích đất còn lại của chị thời điểm này nhiều người chỉ trả 10 triệu đồng/m2.
Như vậy có thể thấy trong giai đoạn khó khăn, lãi suất cao, tín dụng thắt chặt các dự án BĐS đứng trước thách thức rất lớn trong việc triển khai đầu tư. Được biết, Bộ Xây dựng đã đề xuất với Chính phủ hàng loạt giải pháp cho thị trường BĐS, trong đó có việc hạn chế, tiến tới chấm dứt việc sử dụng tiền mặt trong các giao dịch BĐS, nhất là đối với các hợp đồng huy động vốn, mua bán nhà ở hình thành trong tương lai, giao dịch thuê nhà ở để giảm áp lực tiền mặt và hạn chế rủi ro cho các bên tham gia. Đây là việc làm cần thiết bởi thực tế, rủi ro tín dụng chủ yếu nằm ở phân khúc thị trường BĐS.
Theo Báo Quảng Ninh