Năm 2015: Phấn đấu để 100% người dân Hà Nội được dùng nước sạch

Thứ năm, 09/06/2011 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Đó là mục tiêu trong dự thảo kế hoạch phát triển hạ tầngcấp nước đô thị và các vùng lân cận TP Hà Nội, giai đoạn 2011-2015.Chiều 8/6, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi đã có buổi làmviệc với các sở, ban, ngành TP để bàn về việc hoàn thiện dự thảo này.

Mạng lưới cấp nước chưa đồng bộ, tỷ lệ thất thoát cao

Báo cáo tại buổi họp, ông Lê Văn Dục, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong những năm qua hệ thống cấp nước đô thị được đầu tư mở rộng, đáp ứng về cơ bản việc cung cấp nước 10 quận nội thành và một số huyện ven đô. Nước cung cấp đảm bảo về chât lượng theo tiêu chuẩn 01:2009/BYT của Bộ Y tế. Tổng công suất cấp nước tập trung đạt trung bình 785.000 m3/ngđ; cấp nước phân tán, nhỏ là 30.000m3/ngđ; cấp nước các khu công nghiệp, đô thị mới với tổng 40.000 m3/ngđ. Các cơ quan, tư nhận tự khai thác khoảng 150.000 m3/ngđ (không kể chương trình cấp nước nông thôn).

Hiện nay TP đã cấp nước cho các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Tây Hồ, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, Long Biên, Hà Đông, thị xã Sơn Tây và một phần các huyện Từ Liêm, Đông Anh, Sóc Sơn, Gia Lâm, Thanh Trì và 6 thị trấn các huyện.

Tuy nhiên, ông Dục thừa nhận hiện còn nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các dự án cấp nước. Đó là công tác GPMB dự án còn chậm (khu vực đô thị Ciputra, quận Tây Hồ và một số xã ở huyện Sóc Sơn). Mạng lưới đường ống cấp nước chưa được đồng bộ với đầu tư nguồn mặt nước (Sông Đà); hệ thống ống cũ còn nhiều ở địa bàn quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hà Đông, Thanh Xuân làm tăng tỷ lệ thất thoát nước.

Tỷ lệ thất thoát nước bình quân trên địa bàn Hà Nội lên tới 29,5%, trong đó ở 14 quận, huyện thuộc Hà Nội (cũ) là 30,34%, ở quận Hà Đông 24%, ở thị xã Sơn Tây 26%.

Mặt khác, thực hiện Nghị định 117/2007/NĐ-CP ngày 11/7/2007 của Chính phủ, các dự án cấp nước triển khai chậm do khó khăn trong huy động nguồn vốn, giá nước không đủ bù chi phí. Các cơ quan tài chính khó cung cấp nguồn vốn vay cho các dự án cấp nước. Công tác xã hội hóa đầu tư vào hệ thống cấp nước gặp nhiều khó khăn do giá nước và khả năng hoàn vốn đầu tư chậm nên không hấp dẫn nhà đầu tư.

Bên cạnh đó, hệ thống cấp nước (nhà máy nước, hệ thống đường ống cấp nước), được xây dựng từ thời Pháp thuộc đã cũ nhưng vẫn đang sử dụng, nguồn nước ngầm dần cạn kiệt và suy thoái dẫn đến công suất của các nhà máy nước giảm. Đáng chú ý, chất lượng nước của nhà máy nước Tương Mai, Hạ Đình, Pháp Vân có hàm lượng sắt, amoniac cao. Nếu khai thác ngầm lâu dài sẽ ảnh hưởng đến địa chất khu vực nội thành, gây sụt lún nền đất. Ngoài ra, nhiều khu vực xây dựng thêm nhà ở chung cư, công trình hỗn hợp… nhưng hệ thống đường ống cấp nước không phát triển đồng bộ, kịp thời nên khó khăn trong việc cấp nước.

Huy động tối đa các nguồn lực để phát triển mạng lưới nước sạch

Theo Dự thảo quy hoạch hệ thống cấp nước đô thị TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050 đề xuất xây dựng các dự án đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông, trọng tâm giải quyết thiếu nước ở các quận, góp phần thực hiện xây dựng chương trình nông thôn mới ở các huyện và phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng. TP cũng đặc biệt chú trọng giảm dần khai thác nước ngầm, tăng cường nước mặt, đảm bảo phát triển bền vững nguồn tài nguyên nước; Đảm bảo cấp nước ổn định toàn bộ các quận, thị xã Sơn Tây; từng bước đầu tư cấp nước khu vực lân cận dọc theo tuyến đường Láng-Hòa Lạc, đường quốc lộ 32,6,1 và cấp nước cho các huyện ngoại thành.

Chỉ tiêu của dự thảo Quy hoạch cấp nước đô thị và khu vực lân cận; Đảm bảo nhu cầu sử dụng nước đến cuối năm 2015 là 1179 m3/ngđ; Đảm bảo chất lượng đô thị theo tiêu chuẩn 01:2009/BYT của Bộ Y tế; Tiêu chuẩn cấp nước đô thị 130-150lít/ng/ngđ; Giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch xuống còn 27%.

Tại cuộc họp, sau khi nghe ý kiến đóng góp từ các sở, ngành, Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Khôi kết luận: Trong giai đoạn tới, quy hoạch các nhà máy nước của TP cần tăng khai thác sử dụng nguồn nước mặt từ sông Đà (cấp cho dọc tuyến đường 32, khu vực Thanh Xuân, Cầu Giấy); từ sông Hồng (cung cấp cho trung tâm đô thị, vùng dọc đê, Đan Phượng, Phúc Thọ…); từ sông Đuống (cấp nước cho khu vực Long Biên, Gia Lâm, Thanh Trì, Thường Tín, Phú Xuyên…). Nguồn vốn phát triển mạng lưới cấp nước phải huy động từ nhiều nguồn, trong đó có hướng tháo gỡ từ nguồn vốn vay ưu đãi. Phó Chủ tịch cũng lưu ý việc xây dựng kế hoạch tiến độ phát triển các dự án cấp nước phải khả thi, tập trung phát triển từ năm 2012. Phấn đấu đến năm 2015, 100% người dân Hà Nội được cung cấp nước sạch.

Cuối buổi họp, Phó Chủ tịch lưu ý, Sở Xây dựng cần tiếp thu các ý kiến đóng góp, tiếp tục hoàn thiện dự thảo về kế hoạch phát triển hạ tầng cấp nước đô thị và các vùng lân cận TP Hà Nội, giai đoạn 2011-2015 để trình Ban Thường vụ Thành ủy xem xét ngay trong tuần này.
 
Theo Hà Nội Mới
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)