UBND TP. Đà Nẵng vừa tổ chức Hội thảo “Các ý tưởng xây dựng Đà Nẵng ngang tầm với các thành phố phát triển của khu vực ASEAN và châu Á”. Hội thảo là diễn đàn để các nhà hoạch định chính sách, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, các nhà đầu tư, doanh nhân… cùng nhau bàn bạc, trao đổi, đề xuất các ý tưởng sáng tạo có giá trị, đóng góp tích cực cho sự phát triển của TP. Đà Nẵng.
Thông qua Hội thảo, Đà Nẵng có thể xây dựng thương hiệu cho riêng mình trong vai trò một thành phố trẻ, đầy tiềm năng, năng động…, nhằm thu hút vốn đầu tư phát triển. Đặc biệt, Hội thảo đã đem lại cái nhìn sát thực hơn cho các nhà đầu tư về định hướng phát triển của Đà Nẵng, cũng như tạo sự gần gũi hơn giữa các nhà đầu tư và chính quyền địa phương, đưa tầm nhìn của họ về một hướng là làm thế nào để Thành phố phát triển hơn. Qua đó, nhà đầu tư có thể định hướng đầu tư cho chính mình sao cho phù hợp và hiệu quả hơn.
Tại Hội thảo, ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, định hướng phát triển của Đà Nẵng đến năm 2020 sẽ trở thành trung tâm công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch, tài chính - ngân hàng, văn hóa, thể dục - thể thao, giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật và công nghệ của miền Trung. Đồng thời, Đà Nẵng sẽ là một thành phố cảng biển, đầu mối giao thông quan trọng của vùng, quốc gia và quốc tế.
Với định hướng đó, những năm gần đây, Đà Nẵng đã phát triển nhanh các đô thị mới từ 500 đến 1.000 ha (Khuê Trung - Hòa Cường, Cẩm Lệ, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn...), sớm hình thành các khu công nghiệp theo hướng thân thiện môi trường (khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin, khu công nghiệp Thọ Quang, Hòa Cầm, Liên Chiểu...) và gấp rút xây dựng mạng lưới cầu đường cùng rất nhiều dự án bất động sản.
Theo ông Minh, hạ tầng đô thị Đà Nẵng đã tương đối đồng bộ, nhưng để phát triển không gian đô thị Đà Nẵng theo hướng đô thị nén, phát triển theo chiều cao và đa trung tâm thì cần phải thiết lập hệ thống giao thông công cộng, giao thông ngầm, giao thông khác mức (cầu vượt) và giao thông tĩnh (các bãi đậu xe). Vì vậy, tới đây, chính quyền Đà Nẵng sẽ đẩy mạnh tiến độ một số công trình mang tính động lực như cảng Liên Chiểu, sân bay quốc tế, ga đường sắt mới... Tuy nhiên, để đô thị Đà Nẵng phát triển ngang tầm với các đô thị phát triển trong khu vực ASEAN và châu Á, thì còn rất nhiều việc phải làm, trong đó, quy hoạch không gian đô thị hướng ra sông, ra biển để tạo không gian tốt cho kinh tế phát triển là hết sức cần thiết.
Vấn đề đặt ra là cần xác định được hướng phát triển cho TP. Đà Nẵng dựa trên nền tảng sẵn có, phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương. Tại Hội thảo, KTS. Trương Văn Quảng, Phó viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị nông thôn (Bộ Xây dựng) đề xuất ý tưởng xây dựng Đà Nẵng thành đô thị nước và ánh sáng từ các yếu tố đặc trưng của tự nhiên như sông, hồ, biển, núi..., nhưng yếu tố mặt nước là tư tưởng chủ đạo…
Trong khi đó, KTS. Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị ViệtNamđề xuất phát triển Đà Nẵng theo hướng trở thành một trung tâm du lịch. Theo đó, Đà Nẵng cần xây một trung tâm du thuyền quy mô lớn, xây đảo nhân tạo trong lòng vịnh Đà Nẵng kết hợp với một bảo tàng hoặc viện hải dương học, xây khu tổ hợp dịch vụ trên đỉnh núi Sơn Trà, xây đô thị trên cao trên sườn núi Sơn Trà….
KTS. Nguyễn Tấn Vạn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam lại cho rằng, Đà Nẵng chưa trở thành điểm đến của các doanh nghiệp lớn, sức hấp dẫn của đô thị Đà Nẵng chưa có…, vì vậy có thể phát triển Đà Nẵng thành một thành phố sự kiện để tạo điểm đến, nâng cao chất lượng dịch vụ. Đồng thời, Đà Nẵng cũng cần có tầm nhìn dài hạn hơn trong việc hướng đến một thành phố du lịch, nghỉ dưỡng, chữa bệnh, đào tạo..., để từ đó tổ chức đường không thuận tiện cho các lĩnh vực này phát triển…
Ngoài những ý kiến chủ đạo trên, rất nhiều ý kiến khác đều hướng đến việc làm thế nào đưa Đà Nẵng thành một thành phố du lịch, gắn liền với môi trường, với hạ tầng kỹ thuật chất lượng cao. Đồng thời, Đà Nẵng cần hướng đến việc tạo nên một không gian đô thị mang tính cộng đồng cao, với môi trường sống tốt…
Bên cạnh những ý kiến mang tính chiến lược của các nhà hoạch định, đại diện các doanh nghiệp tham dự Hội thảo cũng có những ý tưởng mang giá trị kinh tế cao, dựa trên những điều kiện hiện hữu của địa phương như du lịch, dịch vụ… Trong đó, đáng chú ý là ý tưởng xây dựng Đà Nẵng mang đẳng cấp quốc tế của ông Roland Bala, Giám đốc Công ty TNHH VBL Đà Nẵng. Theo ông Roland Bala, một số thành phố lớn trên thế giới đều gắn liền với một thương hiệu, như nhắc đến Pháp, người ta nghĩ đến nước hoa, Hàn Quốc là mỹ phẩm, Hồng Kông là mua sắm… Vì vậy, Đà Nẵng cần đầu tư vào những sự kiện quan trọng, mang tính đẳng cấp quốc tế thì mới thu hút được du khách…
Tất cả những ý kiến nêu trên mới dừng lại ở ý tưởng và chính quyền Đà Nẵng vẫn đang tiếp tục phát động những cuộc thi khác để tìm ra một ý tưởng thiết thực nhất cho sự phát triển của Đà Nẵng sau này.
Theo Báo Xây dựng điện tử