Hệ lụy một công nghệ cũ
Đi trên con đường ven biển Cột 3 - Cột 8, không ít người đã phải trầm trồ thán phục trước vẻ đẹp của khu đô thị mới nằm bên bờ biển này. Trên địa bàn TP Hạ Long, đây là khu đô thị đẹp nhất với những ngôi biệt thự cầu kỳ, hiện đại, với con đường ven biển nên thơ. Tuy nhiên, đường ven biển Cột 3 - Cột 8 chỉ thực sự đẹp vào những ngày nước lớn. Còn vào ngày nước cạn, những con sóng rút ra xa bờ để lại bên dưới con đường ven biển là những hình ảnh rất phản cảm. Đó là hình ảnh của bùn đất, rác rưởi đọng lại bên trên bệ phản áp ngay dưới chân đường. Là bãi đá lô nhô nhuộm màu bùn đất. Là những doi cát, những bãi bùn lầy lội. Tương tự như thế, phía bên ngoài của các tuyến kè bao biển trên địa bàn Hạ Long như: khu đô thị Vựng Đâng, khu đô thị Cao Xanh - Hà Khánh A, B, C, D... cũng đang có chung một thực trạng: đẹp đẽ, thơ mộng vào những ngày nước lên và xơ xác, xấu xí trong những ngày nước cạn. Những hình ảnh này chính là mặt trái của việc thi công các tuyến kè bao biển bằng công nghệ bệ phản áp.
Vào những năm 2000, tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện chủ trương xây dựng TP Hạ Long theo định hướng lấn biển để phát triển mở rộng đô thị. Tại thời điểm đó, các khu đô thị Cột 3 đến Cột 8; Cao Xanh - Hà Khánh A, B, C, D, Hùng Thắng… đã được triển khai xây dựng tạo thành một chuỗi các đô thị với hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, mở rộng không gian thành phố về phía biển, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho nhân dân. Và do nhiều nguyên nhân, tuyến kè bao biển ở các khu đô thị này đã được thi công bằng công nghệ bệ phản áp. Tức là tuyến kè bao biển được thiết kế với kết cấu kè mái nghiêng kết hợp với bệ phản áp bằng đá hộc. Trong quá trình thi công theo công nghệ bệ phản áp, bùn đất không được nạo vét mà đẩy sang hai bên. Mặt khác, do lớp đáy móng kè không tới lớp đá gốc, giữa đáy móng kè và lớp đá gốc còn lớp bùn dày nên khi thủy triều lên, xuống đã gây ra hiện tượng bùn bị đẩy ra phía biển. Đồng thời, việc gia cố nền trong quá trình xây dựng các công trình nhà ở, đường... trong khu đô thị cũng khiến cho bùn, đất trồi ra biển. Lượng bùn đất này đã gây ảnh hưởng đến dòng chảy, luồng lạch, gây mất mỹ quan đô thị khi thủy triều xuống và ảnh hưởng đến môi trường sống khu vực xung quanh. Đồng thời, hiện tượng này cũng gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ sinh thái động, thực vật vùng Vịnh và sẽ gây hậu quả nghiêm trọng nếu không sớm được xử lý, khắc phục.
Rác thải trên núi nghiêng và bệ phản áp của đường bao biển ở khu vực Cột 5.
Những kỳ vọng ở tuyến đường bao biển mới
Trước những bất cập xung quanh tuyến đường bao biển cũ, chủ trương xây dựng một tuyến kè bao biển mới đã được hình thành. Theo đó, UBND tỉnh đề xuất sẽ đầu tư xây dựng tuyến kè, tuyến đường mới với kết cấu trọng lực thẳng đứng bên ngoài tuyến kè, tuyến đường bao biển hiện nay tại các khu vực Cột 3 đến cột 8, Cao Xanh - Hà Khánh A, B, C, D; khu vực Bãi tắm Thanh Niên - Công viên Hoàng Gia - Cái Dăm - Hùng Thắng và các vị trí khác tương tự trên địa bàn TP Hạ Long để khắc phục những tồn tại vốn có. Đồng thời, tuyến kè bao biển mới sẽ phục vụ cho chủ trương tiếp tục mở rộng quy mô thành phố, tạo nên hình ảnh trên bến, dưới thuyền, góp phần làm xanh sạch môi trường Vịnh Hạ Long. Theo đề xuất của UBND tỉnh Quảng Ninh, tuyến kè bao biển mới trên địa bàn TP Hạ Long sẽ được thi công bằng công nghệ kè trọng lực. Tuyến kè sẽ được cắm sâu tới lớp đá gốc, đảm bảo không còn tình trạng bồi lắng do bùn cát trồi, đẩy ra biển. Kỹ sư Thẩm Đức Mạnh, người đã trực tiếp thi công tuyến kè bao biển theo công nghệ này ở khu đô thị Hà Tiên (Kiên Giang) cho biết: “Hiện nay, kè với kết cấu trọng lực thẳng đứng được coi là sự lựa chọn tối ưu đối với các công trình ven biển, ven sông. Bởi lẽ, giải pháp này giải quyết được những nhược điểm của bệ phản áp như: diện tích thi công lớn, nguy cơ lún, bùn trồi phía ngoài, thẩm mỹ kém... Hầu hết các công trình kè trọng lực được xây dựng ở Kiên Giang, Cà Mau, TP Hồ Chí Minh... đã khẳng định được ưu điểm của nó". Bên cạnh việc khắc phục những hậu quả của những tuyến đường ven biển cũ, việc đầu tư, xây dựng tuyến kè mới trên địa bàn TP Hạ Long sẽ tạo ra một quỹ đất lớn để mở rộng đô thị, giải quyết những vấn đề bức xúc của thành phố như: quỹ đất cho tái định cư, quỹ đất cho các công trình công cộng...
Trong đề xuất của UBND tỉnh và chỉ đạo của BCH Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh, việc đầu tư, xây dựng tuyến kè bao biển mới sẽ phải tuân thủ những yêu cầu nghiêm ngặt như: không vi phạm vùng bảo vệ tuyệt đối vịnh Hạ Long, không làm ảnh hưởng đến luồng lạch và hoạt động giao thông thuỷ; phải đảm bảo thiết kế cảnh quan đẹp, hiện đại, tương xứng với phong cảnh vịnh Hạ Long, đảm bảo vệ sinh môi trường, khi thủy triều xuống ở mức thấp nhất vẫn đảm bảo mức nước vào chân kè từ 0,5 đến 1,0m để tạo hình ảnh trên bến, dưới thuyền. Toàn bộ tuyến ven biển sẽ hình thành tuyến đường du lịch bao biển Hạ Long, là nơi có thể tổ chức lễ hội Carnaval Hạ Long hàng năm và là nơi để nhân dân và du khách đến tham quan, du lịch tạo sức hấp dẫn mới cho du khách đến với Hạ Long. Đồng thời, các quỹ đất hình thành do xây dựng tuyến đường sẽ được lập quy hoạch đô thị hiện đại, đồng bộ và quỹ đất này sẽ được dành một phần để bố trí khu tái định cư của thành phố. Đặc biệt, đối với quỹ đất hình thành giữa tuyến kè mới và tuyến kè cũ tại khu vực Cột 3 chỉ bố trí các công trình văn hóa công cộng như: Bảo tàng, Thư viện, Nhà triển lãm…; không được bố trí đất ở và dịch vụ ăn uống; không lấp các núi đá hiện có. Dọc theo tuyến kè này sẽ xây dựng một số bãi tắm để phục vụ nhân dân và du khách.
Theo Báo Quảng Ninh