Tỉnh sẽ điều chỉnh chức năng một số đô thị, tạo lập hệ thống đô thị liên vùng và phát triển một cách có hiệu quả các đô thị có tính chất đặc thù của vùng.
Trong đó, thành phố Đông Hà tập trung phát triển nâng cấp cơ sở hạ tầng, hoàn thiện các tiêu chí của thành phố đạt đô thị loại II, là thành phố tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh. Thành phố có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng thế trận an ninh quốc phòng của tỉnh và vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, là đô thị động lực trên tuyến hành lang kinh tế Đông-Tây.
Bên cạnh đó, có 8 đô thị là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của huyện lỵ, 11 đô thị là các đô thị đặc thù và tổng hợp vùng đóng vai trò trung tâm kinh tế, văn hóa, thương mại, dịch vụ của vùng.
Ngoài ra, hạ tầng kỹ thuật cũng được định hướng phát triển đến năm 2020.
Cụ thể, sẽ cấp nước sinh hoạt trên địa bàn tỉnh là 75.000m3/ngày đêm; 100% đô thị có hệ thống cấp nước sinh hoạt tập trung; 100% dân cư đô thị sử dụng nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung; 100% đô thị được xử lý thất thải rắn đảm bảo vệ sinh môi trường; 100% hệ thống giao thông của thành phố Đông Hà, thị xã Quảng Trị và 80% đối với các đô thị còn lại được cứng hóa; hoàn thành đầu tư xây dựng các bến, bãi đỗ xe cho các đô thị.
Trên cơ sở những định hướng đó, quy hoạch phát triển đô thị đến năm 2020 của tỉnh Quảng Trị đã đưa ra một số giải pháp cụ thể. Đó là công tác quy hoạch xây dựng phải đi trước một bước, có sự phù hợp giữa các loại quy hoạch, tránh lãng phí và không hiệu quả, tránh tình trạng quy hoạch treo; đẩy mạnh cải cách thể chế bộ máy quản lý hành chính; củng cố và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các vi phạm xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai.
Đồng thời có chính sách khuyến khích, thu hút các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển đô thị; tăng cường công tác xã hội hóa trong đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm"...
Theo : chinhphu.vn