Đảm bảo an toàn
Trong trận lũ này một số ngôi nhà của người dân bị sập, các vật dụng có giá trị bị hư hỏng. Qua kiểm tra, 100 ngôi nhà chống lũ của các hộ dân tại Quảng Ngãi vẫn an toàn về người cũng như đảm bảo về tài sản.
Tại thôn Mễ Sơn, xã Hành Thiện, trận lũ lịch sử ngày 15 và 16/11 vừa qua, có căn nhà ngập đến 2,6m, nhờ có nhà vượt lũ mà 6 người trong gia đình đã an toàn tính mạng, lúa thóc được bảo quản khô ráo.
Anh Lê Quang Huy ở xã Bình Sơn, người được hỗ trợ xây nhà vượt lũ cho biết: Những năm trước khi có lũ về tài sản, vật nuôi thường bị lũ cuốn trôi vì không có nơi để, nơi di dời, do nhà tạm bợ, không có tầng 2 để chống lũ. Đợt lũ vào đêm 15/11 vừa qua khi nước lũ ập về, gia đình đã kịp chuyển tài sản, vật dụng lên tầng 2 nên tất cả đều đảm bảo. Vùng này là vùng lũ, hàng năm không có lũ lớn thì cũng có lũ nhỏ, với mô hình này được xây dựng càng nhiều càng tốt để người dân được nhờ.
Sở Xây dựng Quảng Ngãi đã thiết kế 3 mẫu chòi tránh lũ theo tập quán của địa phương và phổ biến đến các đơn vị liên quan và hộ gia đình. Theo đó, kết cấu khung móng, cột, đầm được làm bê tông cốt thép cho phần lõi cứng, có sàn BTCT kiên cố với diện tích sàn từ 10,5m2 trở lên, chiều cao sàn từ 2,8 - 3,6m. Tầng dưới mở nhiều cửa cho nước ra, nước vào. Tầng 2 dùng để tránh lũ, mái được lợp tôn nhẹ có thể bật chui ra nếu nước tiếp tục dâng cao. Giá xây dựng bình quân khoảng 35 - 50 triệu đ/chòi. Một số hộ cá biệt nhờ kinh phí hỗ trợ của người thân làm nhà với diện tích sàn từ 20-30m2. Nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 1 tỷ đồng, nguồn ngân sách Ủy ban Mặt trận tỉnh và huyện là 600 triệu đồng, nguồn vốn vay ưu đãi là 1 tỷ đồng.
Nhân rộng mô hình
Ông Nguyễn Đức Hiệp - Phó giám đốc Sở Xây dựng Quảng Ngãi cho biết: Đây là một chương trình xã hội mang tính nhân văn cho nên khi triển khai ngoài sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của chính quyền còn có sự hỗ trợ của cộng đồng và sự tham gia của người dân. Chương trình cũng đã tạo điều kiện cho các hộ nghèo nằm trong vùng lũ lụt có điều kiện cải thiện nhà ở đảm bảo an toàn về tính mạng, của cải vật chất, ổn định được đời sống.
Hầu hết các nhà vượt lũ ở đây xây dựng sàn sử dụng cao hơn mức ngập lụt từ 2 - 4m, diện tích sàn tránh lụt hơn 10m2. Các gia đình xây liền kề với nhà cũ hoặc xẻ tường nhà cũ để xây dựng thêm. Vì thế không chỉ phục vụ chống lũ mà còn đáp ứng nhu cầu sinh hoạt hằng ngày của gia đình. Nhiều hộ đã không chờ đến lúc có lũ mà ngay sau khi thu hoạch lúa thóc họ đã mang chúng lên cất giữ ở tầng hai.
Tuy nhiên với mức hỗ trợ này vẫn còn thấp so với giá vật liệu, ngày công lao động hiện nay nên trong quá trình triển khai nhiều hộ gia đình còn gặp khó khăn về tài chính. Đồng thời cần tăng mức hỗ trợ ngân sách Trung ương lên 15 triệu đ/hộ và tăng mức vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội từ 15 - 20 triệu đ/hộ. Cần nhân rộng mô hình này cho các đối tượng nghèo và cận nghèo.
Theo Báo Xây dựng điện tử