Phó Thủ tướng giao UBND tỉnh Thanh Hóa chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan lập Quy hoạch tổng thể cấp Quốc gia bảo tồn, tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị Di sản văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ và các di tích phụ cận, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; trong đó, cần lưu ý tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sớm trình dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự án bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích.
Trước đó, ngày 27/6/2011, Ủy ban Di sản văn hóa thế giới (UNESCO) đã công nhận Thành Nhà Hồ tại huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa là Di sản văn hóa thế giới.
Thành Nhà Hồ hay còn được gọi là thành Tây Đô do Hồ Quý Ly xây dựng.
Được đặt nền móng xây dựng vào năm 1397, Thành Nhà Hồ là công trình kiến trúc đồ sộ bằng đá. Tổng khối lượng đá được sử dụng để xây thành khoảng 20.000m 3 và gần 100.000m 3 đất được đào đắp.
Thành có hình vuông, mỗi cạnh dài gần 500m, được xây bằng đá xanh cao khoảng 4,2m. Thành có 4 cửa. Cửa phía Nam rất giống cửa phía Nam thành Thăng Long. Quanh thành có hào sâu, phía trong thành là cung điện uy nghi lộng lẫy. Từ cửa Nam, xây đường lát đá thẳng đến đàn Nam Giao ở Đốn Sơn.
Trải qua hơn 6 thế kỷ, tòa thành còn lại cửa phía Nam với 3 cổng vòm cuốn bằng đá xanh. Khung tường thành còn lại những bức tường bằng đất.
Thành nhà Hồ được công nhận di tích quốc gia từ năm 1962.
Theo Báo Xây dựng điện tử