Cà Mau thực hiện nhiều giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm và tăng cường kiểm soát môi trường, nhằm phát triển ổn định, bền vững sản xuất ngư - nông - lâm nghiệp đạt hiệu quả.
Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh đã thẩm định đối với 18 dự án, trong đó cấp quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho 15 dự án; cấp sổ chủ nguồn thải chất thải nguy hại cho Công ty Khí Cà Mau và hàng trăm giấy cam kết bảo vệ môi trường cho các công ty, xí nghiệp. Đối với công tác quy hoạch bảo vệ môi trường đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, sở đã tổ chức thẩm định, hoàn thiện báo cáo để trình phê duyệt. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các ngành hữu quan và địa phương triển khai các dự án: xây dựng bãi chôn lấp rác ở các huyện, lò đốt rác y tế bệnh viện tuyến huyện, kho chứa chất thải nguy hại, dự án thông tin địa lý phục vụ công tác quản lý môi trường trên địa bàn, xây dựng mới các dự án điều tra, thống kê các nguồn thải, lượng phát thải và đánh giá sức chịu tải của môi trường, dự án đánh giá, dự báo và cảnh báo nguy cơ sự cố môi trường… Công tác quan trắc môi trường về chất lượng nước mặt, nước ngầm, nước mưa và không khí được tăng cường. Đồng thời, Sở tổ chức khảo sát tình hình ô nhiềm nguồn nước mặt trên các tuyến sông trên địa bàn để xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường, đánh giá hiện trạng, nâng cao năng lực dự báo chất lượng môi trường, phục vụ cho nhu cầu quản lý, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành Luật Bảo vệ môi trường và Luật Tài nguyên nước trên địa bàn được đẩy mạnh. Sở phân cấp quản lý, hướng dẫn công tác thanh tra bảo vệ môi trường cho cấp huyện.
Tỉnh thực hiện di dời Công ty TNHH Kinh doanh chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Quốc Việt ra khỏi khu dân cư, tạm ngưng hoạt động Doanh nghiệp tư nhân Công Thịnh, đóng cửa bãi rác Phường 9, thành phố Cà Mau, xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại Công ty cổ phần chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau, trang bị lò đốt rác y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau… Toàn tỉnh có 30 nhà máy chế biến thuỷ sản của các doanh nghiệp với tổng công suất khoảng 150.000 tấn/năm. Hiện, 70% các nhà máy chế biến thuỷ sản này xây dựng hệ thống xử lý nước thải, phần nào đảm bảo về mặt môi trường trong quá trình sản xuất chế biến. Tuy nhiên, việc đầu tư hệ thống xử lý môi trường rất tốn kém, khoảng 5 - 7 tỷ đồng, thậm chí vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ, không có nguồn quỹ đất nên một số nhà máy cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải, nhưng không thực hiện. Nhiều nhà máy đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhưng không đảm bảo kỹ thuật và chỉ vận hành hoạt động khi có kiểm tra./.
Theo : Báo Xây dựng điện tử