Thi công đường bằng máy gia cố: Mở ra hướng đi mới trong thi công đường ?

Thứ tư, 29/10/2008 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phương pháp sử dụng máy gia cố được áp dụng rộng rãi để sửa chữa đường, với ưu điểm là chi phí thấp… Hàng năm, ở Nhật Bản có khoảng 2-3 triệu m2 đường được áp dụng phương pháp thi công này. Còn ở Việt Nam thì sao?

Lần đầu được thí điểm tại Việt Nam

Vào quý II năm nay, Tập đoàn công nghiệp nặng SAKAI (Nhật Bản) phối hợp với Sở Giao thông Vận tải Hà Tây (cũ) đã tiến hành thí điểm áp dụng phương pháp thi công đường bằng máy gia cố. Hai địa điểm đã được chọn để tiến hành thí điểm phương pháp này, đó là: đường 417 (83 cũ) trên địa bàn huyện Phúc Thọ và đường 414B (87B cũ) trên địa bàn huyện Ba Vì.

 

Địa điểm đường 417 (83 cũ) trước khi thi công thí điểm phương pháp gia cố đường 
 

Tập đoàn SAKAI đã tiến hành thí điểm phương pháp thi công bằng máy gia cố (hay còn gọi phương pháp tái chế tại chỗ lớp base courese) trên đoạn đường dài khoảng 500 mét tại trục đường 417. Trục đường này trước đây được áp dụng công nghệ “thấm nhập nhựa” của Nga. Tuy nhiên, sau một thời gian dài được đưa vào sử dụng, con đường này đã bị xuống cấp nghiêm trọng. Theo lưu đồ công nghệ, để cải tạo lại đoạn đường này, công đoạn đầu tiên được áp dụng là đưa một máy gia cố nền đường để nghiền sơ bộ. Sau đó, lần lượt theo thứ tự: dùng xe lu lốp để đầm sơ bộ; máy san gạt để san gạt sơ bộ; bổ sung vật liệu (đá nghiền); san gạt; rải xi măng (thủ công); cung cấp nhũ tương nhựa (bằng xe bồn), tiếp tục nghiền và trộn bằng máy “gia cố nền đường”; rồi lại đầm lèn sơ bộ; san gạt; lu lèn. Sau những công đoạn trên là đến công đoạn hoàn thiện mặt đường bằng bê tông nhựa nóng. Công đoạn này chủ yếu dùng các loại xe máy, như: máy thảm asphalt; lu đường; lu lốp. Trên thực tế, với đoạn đường dài 500m đó chỉ mất một ngày để hoàn thành.

 

Tiến hành phương pháp thi công bằng máy gia cố tại thực địa
 

Còn tại trục đường 414B (87B cũ), việc thí điểm được áp dụng trên đoạn đường dài 250 mét. Trục đường này có mặt đường bằng đất. Do đó, Tập đoàn SAKAI đã áp dụng phương pháp “gia cố tại chỗ bằng xi măng lớp base course”. Theo lưu đồ công nghệ, trước tiên là rải xi măng (thủ công), sau đó dùng máy gia cố nền đường để nghiền và trộn; rồi đến đầm lèn sơ bộ, san gạt, lu lèn; bổ sung đá nghiền, tiếp tục san gạt, lu lèn. Sau khi kết thúc các công đoạn trên là đến công đoạn hoàn thành lớp nhựa mặt (lớp đá bán thâm nhập rải mặt), với quy trình: rải asphalt; rải lớp tổng hợp (đá nghiền cỡ đơn) và sau đó là lu lèn.  

 
Những ưu điểm của phương pháp

Phương pháp thi công bằng máy gia cố đường được hiểu là phương pháp xây dựng đường với nền đường được thi công tại chỗ bằng cách sử dụng một máy gia cố đường. Đây là loại máy có khả năng vừa nghiền, vừa trộn cùng một lúc.

 

Thời gian đầu xuất hiện tại Nhật Bản, khi áp dụng phương pháp này có ưu điểm là cho phép sử dụng gạch, đá tại chỗ làm vật liệu cho lớp base (sau khi đã được trộn thêm nhũ tương nhựa đường). Và phương pháp này đã góp một phần rất quan trọng vào tốc độ thi công mặt đường đối với các trục đường liên thôn tại Nhật Bản. Sau này, phương pháp thi công đường bằng máy gia cố đường đã phát triển thành phương pháp làm đường tại chỗ mà không cần sử dụng vật liệu mới (hay còn gọi là hệ thống tái chế mặt đường tại chỗ).

 

Theo đánh giá của các chuyên gia Nhật Bản, phương pháp sử dụng máy gia cố đã và đang được sử dụng rộng rãi để sửa chữa đường, bởi không chỉ chi phí thấp, mà còn có thể áp dụng cho việc phục hồi các đường vành đai và đường vòng nơi có lưu lượng giao thông lớn. Vì vậy, tại Nhật Bản diện tích áp dụng phương pháp thi công bằng máy gia cố là 2-3 triệu m2/năm. Phương pháp này đã được áp dụng liên tục trong hơn 20 năm qua tại Nhật Bản.

 

Cũng theo các chuyên gia Nhật Bản, phương pháp thi công đường bằng máy gia cố có thể áp dụng để gia cố đối với các loại đường có nền yếu; gia cố các vật liệu dạng hạt; thi công lớp base sử dụng lớp nền sỏi cũ; tái chế lớp base tại chỗ sử dụng hỗn hợp asphlt và vật liệu lớp base cũ. Đặc điểm chính của phương pháp này là: Cải tạo được mặt đường đất và sỏi đá thành mặt đường rải thảm tại chỗ; Bảo tồn được nguồn tài nguyên bằng cách tái sử dụng mặt đường asphlt và vật liệu lớp base cũ; Có thể tiến hành nhanh tiến trình hóa lỏng và trộn vật liệu gia cố; Rút ngắn thời gian thi công và giảm giá thành so với việc rải lại mặt đường mới…

 
Sẽ áp dụng rộng rãi tại Việt Nam?

Anh Phan Ngọc Chiến, Trưởng phòng Kế hoạch-Kỹ thuật Công ty Quản lý Sửa chữa đường bộ II (Hà Nội) cho biết: Qua thực tế triển khai thí điểm (ở 2 địa điểm nêu trên) cho thấy, phương pháp thi công đường bằng máy gia cố không chỉ tiết kiệm nguyên vật liệu, thời gian, mà còn góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường vì gần như không có bụi trong quá trình thi công. Thêm vào đó, công nghệ này rất thông dụng, dễ làm, với công suất hoàn thiện bình quân một ngày đạt 300-500m đường.

 
Đoạn đường 417 sau khi thi công xong, chờ sự thẩm định chất lượng của cơ quan chức năng 
 

Qua thực tế, máy gia cố đường đóng vai trò chủ chốt của phương pháp thi công kể trên. Đây cũng được coi là điểm khác biệt cơ bản của phương pháp này so với các công nghệ làm đường của Nga, Mỹ… đang được áp dụng ở nước ta. Tuy nhiên, sẽ là khập khiễng nếu đem so sánh công nghệ làm đường này với công nghệ làm đường khác, bởi mỗi công nghệ có những ưu điểm riêng. Việc đánh giá chất lượng, ưu điểm của công nghệ thi công đường bằng máy gia cố đang chờ các cơ quan chức năng thẩm định… Nếu chất lượng của phương pháp này đảm bảo, sau đó được áp dụng rộng rãi ở nước ta sẽ thực sự góp phần đẩy nhanh tốc độ xây dựng đường giao thông nông thôn, cũng như khắc phục được ô nhiễm, tiến độ kéo dài, chậm trễ của các dự án cải tạo những trục đường đô thị đang xuống cấp như hiện nay; đồng thời sẽ hạn chế được cảnh mỗi khi nâng cấp, cải tạo bất kỳ trục đường nào, thì nhà ở của người dân (kể cả kiên cố) lại phải nâng cao theo cốt đường, nếu không muốn úng ngập…

 

Được biết, hiện nay cả nước mới có 1 máy gia cố đường được Tập đoàn SAKAI tài trợ cho Trường cao đẳng Giao thông Vận tải ( ở xã Tiên Phong, huyện Ba Vì).

Nguồn : Hà Nội mới điện tử

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)