Trong 2 ngày 27 và 28/9, Sở Tư pháp Hà Nội đã tổ chức đào tạo bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ cho gần 100 người là những công chứng viên, cán bộ, nhân viên... thuộc các văn phòng công chứng tư Hà Nội. Nội dung bồi dưỡng tập trung vào việc giải thích, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng quy định pháp luật hiện hành về công chứng.
Cụ thể, các công chứng viên được hướng dẫn thực hiện công chứng hợp đồng thế chấp, chuyển nhượng, khai nhận di sản thừa kế... Đặc biệt là giải đáp những khó khăn trong công chứng hợp đồng bất động sản. Theo quy định của Luật Công chứng, công chứng nhà nước được chứng thực hợp đồng, giao dịch nào thì công chứng tư cũng có thẩm quyền chứng thực những hợp đồng đó nhưng theo Luật Đất đai, chỉ có công chứng nhà nước mới được xác nhận hợp đồng, giao dịch liên quan quyền sử dụng đất.
Sở dĩ có quy định này vì thời điểm ban hành Luật Đất đai chỉ có phòng công chứng nhà nước mới có thẩm quyền công chứng, chưa có các văn phòng công chứng tư. Nếu căn cứ theo quy định trên thì các văn phòng công chứng tư chỉ được công chứng nhà, không được công chứng đất, nhưng thực tế nhà lại thường gắn với đất. Về vấn đề này, theo quan điểm của Sở Tư pháp Hà Nội thì công chứng tư cũng có quyền xác nhận hợp đồng giao dịch cả nhà và đât. Hoạt động của các phòng công chứng tư được điều chỉnh theo Luật Công chứng, nên những gì luật không cấm thì các phòng công chứng tư đều có thể được làm.
Hà Nội hiện có 16 văn phòng công chứng tư chính thức đi vào hoạt động, bước đầu đã tạo được sự cạnh tranh lành mạnh giữa hoạt động của các phòng công chứng, góp phần giảm tải và cải cách hành chính công tác này theo hướng gọn nhẹ, tạo thuận lợi cho người dân… khi đi công chứng.
Theo Kinh tế Đô thị