Một số suy nghĩ về quy hoạch không gian vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng

Thứ sáu, 13/01/2006 00:00
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Phong Nha - Kẻ Bàng là khu rừng nguyên sinh được Chính phủ quyết định xếp hạng vườn quốc gia ngày 12-12-2001 và UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới ngày 5/7/2003. Đây là khu rừng nguyên sinh nhiệt đới có diện tích hơn 85.754 ha, là một vùng Karst rộng lớn được hình thành trên 400 triệu năm, là nơi giao lưu của nhiều loại động thực vật 3 miền Bắc, Trung, Nam. Đặc biệt Phong Nha có nhiều phong cảnh đẹp nổi tiếng là hệ thõng hơn 20 hang động có tổng chiều dài trên 64.385m trong đó có hang vòm dài 15.050m.
Hệ thống hang động Phong Nha là một trong những hang động đẹp và dài nhất Châu Á. Chính vì vậy tổ chức UNESCO đã nhận xét và đánh giá "Phong Nha - Kẻ Bàng là một ví dụ điển hình độc đáo và hoàn hảo nhất của đại diện Karst ở Đông Nam Chấu Á, nơi chứa đựng số lượng lớn về lịch sử Trái Đất. Đây là một điểm cực kỳ quan trọng để nâng tầm hiểu biết của con người về địa chất, địa mạo và lịch sử địa chất của vùng...". Phong Nha -Kẻ Bàng còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hoá của các dân tộc thiểu số phía Tây Quảng Bình như người Rục, Arem... Trong hai cuộc kháng chiến, khu vực này còn nhiều di tích lịch sử có giá trị được cả nước biết đến như: di tích kháng chiến chống Pháp của vua Hàm Nghi, tuyến đường Hồ Chí Minh, bến phà Xuân Sơn, đường 20 đi Lào, hang 8 nữ liệt sĩ thanh niên xung phong, tượng đài Thanh niên xung phong, đỉnh húi Ubò, sân bay giã chiến Khe Cát.
Với quy mô, sự đa dạng sinh học quý giá và giá trị văn hoá lịch sử Phong Nha-Kẻ Bàng thu hút nhiều đoàn khảo sát, nghiên cứu và tham quan, du lịch trong và ngoài nước như: Dự án bảo tồn đa dạng sinh học liên quốc gia RaS/93/102; Đoàn khảo sát hang động Hoàng gia Anh cùng với khoa Địa chất Đại học Quốc gia Hà Nội. Chương trình đa dạng sinh học của tổ chức hệ hang động và hệ thực vật thế giới FFI...
Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng là rừng nhiệt đới trên núi đá vôi điển hình của vùng Bắc Trường Sơn và cả nước. Đây là di sản độc đáo và quý giá không những của Việt Nam mà của cả nhân loại cần được gìn giữ. Rừng phát triển trên núi đá vôi hình thành rất chậm chạp, trải qua hàng vạn năm, khi bị phá hoại rất khó khôi phục.
Bất cứ loại hình du lịch nào đều phải dựa vào môi trường thiên nhiên và môi trường nhân văn. Loại hình du lịch văn hoá sinh thái được coi là xu thế tất yếu hiện nay. Khai thác loại hình du lịch này có tác động rất mạnh vào môi trường. Việt Nam đang đứng trước xu thế phát triển du lịch văn hoá, sinh thái với yêu cầu phải sử dụng có trách nhiệm các nguồn tài nguyên thiên nhiên và nhân văn. Du lịch sinh thái gắn với bền vững. Muốn có du lịch sinh thái bền vững, quá trình phát triển du lịch phải được định hướng quy hoạch và quản lý khai thác một cách chặt chẽ ở cả hai góc độ khai thác và đầu tư.
Phong Nha - Kẻ Bàng là một vùng thiên nhiên được đánh giá là còn hoang sơ. Nơi đây lưu giữ một khu rừng nhiệt đới với diện tích 75.720 ha rừng nguyên sinh có độ che phủ 93,8%, có nơi chưa có dấu chân người. Nhiều vùng có cảnh đẹp, hệ thực vật và động vật đa dạng phong phú, nhiều loại quý hiếm là những giá trị để phát triển loại hình du lịch sinh thái, thám hiểm, nghỉ ngơi và nghiên cứu.
Hệ thống sông ngòi ngầm tạo thành các hang động ngầm cho bề mặt ít có những con sông dài cộng với sự hiểm trở của núi đá vôi, giữ cho Phong Nha-Kẻ Bàng ít bị xâm hại, đó cũng là cơ sở phát triển du lịch thám hiểm, leo núi. Khảo sát một số hang động, hệ thống sông suối có thể khai thác để tổ chức các tua du lịch tham quan hang động. Hệ thống các di tích lịch sử trong 2 cuộc kháng chiến dọc tuyến đường Hồ Chí Minh, đường 20, cửa khẩu Cà Roòng là những giá trị để khai thác kết hợp các loại hình du lịch văn hoá, lịch sử, du lịch sinh thái làm tăng thêm tính phong phú và hấp dẫn du khách.
Trong khu vực Vườn Quốc gia có 2 dân tộc Vân Kiều và dân tộc Chứt. Người Rục thuộc dân tộc Chứt sống quần cư với mức sống còn thấp, ở nhà sàn, làm nương rẫy với nhiều phong tục tập quán, lối sống và giá trị văn hoá phi vật thể như lễ rằm tháng 3, lễ cầu an, các phong tục ma chay, cúng viếng... Cùng với vùng đệm khoảng 203.222 ha thuộc 9 xã với số dân gần 50.000 người hội tụ đủ các dân tộc của Quảng Bình dân tộc Kinh, Vân Kiều, Chứt, có giá trị phát triển các loại hình du lịch văn hoá, du lịch có sự tham gia của cộng đồng tạo cơ hội nâng cao mức sống cho dân cư và góp phần gìn giữ bảo tồn di sản.
Với những tiềm năng được đánh giá, các nghiên cứu điều tra nhu cầu du khách qua từng thời kỳ và khả năng tổ chức khai thác để lựa chọn, phân vùng, phân tuyến, từ đó hình thành các loại hình khai thác sau:
- Du lịch sinh thái;
- Du lịch văn hoá, lịch sử;
- Du lịch văn hoá, sinh thái;
- Du lịch mạo hiểm, leo núi...
- Du lịch tập trung và một số loại hình kết hợp.
Quy mô tổ chức khai thác cần phải dựa trên kết quả nghiên cứu có tính tổng hợp và đánh giá của các nhà chuyên môn.
Việc quy hoạch và quản lý khai thác các nguồn tài nguyên giàu có cho phát triển du lịch Quảng Bình ngoài việc giải quyết việc làm cho dân cư trong vùng bảo vệ môi trường thiên nhiên, nâng cao mức sống cho cộng đồng dân cư còn phải đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của tỉnh.
Để có một cách nhìn tổng quát về "bảo tồn, khai thác, phát triển", xin được đưa ra trình tự thực hiện việc nghiên cứu quy hoạch cho vùng di sản và vùng đệm của 9 xã như sau:
1. Từ những nghiên cứu đánh giá giá trị của di sản, thực hiện quy hoạch bảo tồn và phát triển di sản Phong Nha-Kẻ Bàng. Trong đó phân vùng, quy định các quy chế bảo vệ và các hình thức khai thác phát triển du lịch và nghiên cứu khoa học.
2. Tiến hành nghiên cứu các yếu tố tự nhiên, kinh tế, văn hoá xã hội, các yếu tố truyền thống để thực hiện định hướng quy hoạch phát triển kinh tế cho các xã vùng đệm và các ảnh hưởng liên quan trong toàn vùng.
3. Trên cơ sở các giá trị tự nhiên, văn hoá, lịch sử, truyền thống, quy hoạch bảo tồn và phát triển di sản, quy hoạch kinh tế - xã hội, nghiên cứu nhu cầu du khách, đánh giá hiện trạng từ đó đề xuất định hướng quy hoạch phát triển không gian du lịch cho toàn vùng.
4. Từ những cơ sở trên, cần tiến hành nghiên cứu định hướng quy hoạch xây dựng chung nhằm đáp ứng các yêu cầu phát triển đô thị du lịch trong tương lai cũng như việc tổ chức khai thác du lịch, các loại hình dịch vụ, công trình công cộng, văn hoá thể thao, hệ thống hạ tầng đô thị và hạ tầng phục vụ khai thác du lịch... đề xuất kế hoạch thực hiện ngắn hạn, dài hạn....
5. Tiến hành lập các quy hoạch chi tiết xây dựng theo các kế hoạch đã được đề xuất và tiến hành thực hiện các dự án đầu tư xây dựng.
Phong Nha-Kẻ Bàng là khu vực có địa hình phức tạp, đa dạng và có vùng đệm rộng lớn, theo nghiên cứu đây là khu vực còn nhiều bí ẩn, ẩn chứa nhiều tài nguyên và còn nhiều khám phá bất ngờ, vì vậy các hồ sơ định hướng quy hoạch cần nghiên cứu có tính khái quát cao, định hướng lâu dài theo xu thế phát triển của ngành Du lịch Việt Nam và thế giới theo từng thời kỳ.
Tiềm năng và giá trị của di sản Phong Nha -Kẻ Bàng hết sức to lớn là tài sản vô cùng quý giá của thiên nhiên ban tặng. Đây là cơ hội lớn cũng là thách thức đối với chính quyền và các nhà quản lý bảo tồn. Phát triển bền vững là tiêu chí của mọi hành động tác động vào di sản. Việc gìn giữ bảo tồn di sản cũng được ví như quá trình hình thành nên nó và chính thời gian đã là yếu tố cơ bản tạo nên giá trị di sản vì vậy việc hình thành các cơ sở pháp lý cho quản lý di sản cần được nghiên cứu kỹ lưỡng, có thời gian, có trình tự có sự liên hệ chặt chẽ để có một cách nhìn tổng thể gắn kết giữa bảo tồn - khai thác và phát triển du lịch một cách lâu dài, bền vững.

Nguồn: TC Xây dựng số 12-2005
Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)