Theo đánh giá của Hội Môi giới BĐS Việt Nam, điều này cho thấy lực cầu tại 2 khu vực này vẫn rất mạnh. Giá bất động sản nhà ở có chiều hướng tăng nhẹ nhưng không sốt, thị trường duy trì ở mức ổn định. Vì vậy, không xuất hiện bong bóng BĐS.
Diễn biến và những số liệu thực tế trên thị trường cho thấy trong 6 tháng đầu năm 2019, thị trường BĐS Hà Nội đánh dấu sự sụt giảm cả về nguồn cung và lượng giao dịch của thị trường.
Cụ thể, lượng cung bất động sản nhà ở quý II đạt 7.772 sản phẩm, tăng 49,3% so với quý I/2019 nhưng nếu tính chung cả 6 tháng đầu năm 2019 lượng cung bất động sản nhà ở đạt 12.976 sản phẩm, chỉ băng 76,05% so với cùng kỳ năm 2018.
Lượng giao dịch bất động sản nhà ở quý II đạt 5.616 sản phẩm, tăng 71% so với quý I/2019. Tính chung cả 6 tháng đầu năm 2019 lượng giao dịch bất động sản nhà ở đạt 8.899 sản phẩm và chỉ bằng 68,9% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, tỉ lệ hấp thụ bất động sản nhà ở 6 tháng đầu năm tại thị trường BĐS Hà Nội vẫn duy trì ở mức cao, đạt 68,6%. Đặc biệt, trong quý II/2019 tỉ lệ hấp thụ căn hộ bình dân lên tới 84.7%.
Cũng giống như thị trường bất động sản Hà Nội, thị trường bất động sản TPHCM trong 6 tháng đầu năm 2019 cho thấy sự sụt giảm mạnh cả về nguồn cung và lượng giao dịch của thị trường.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2019 lượng cung bất động sản nhà ở đạt 10.715 sản phẩm, bằng 39,1% so với cùng kỳ năm 2018.
Lượng giao dịch bất động sản nhà ở 6 tháng đầu năm 2019 đạt 8.560 sản phẩm, bằng 46.8% so với cùng kỳ năm 2018.
Đáng chú ý, mặc dù nguồn cung và lượng giao dịch đều sụt giảm nhưng tỉ lệ hấp thụ BĐS nhà ở 6 tháng đầu năm tại thị trường BĐS lớn nhất của cả nước này vẫn đạt 79,9%.
Giá bán căn hộ chung cư quý II/2019 tăng khoảng 5% và giá đất nền quý II/ 2019 tăng 2-3% so với quý trước.
Các chuyên gia BĐS thuộc Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng, một trong những nguyên nhân chính của sự sụt giảm là do chính sách giảm tín dụng bất động sản của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư, kinh doanh BĐS. Chiếm tỉ trọng lớn trong lượng cung và giao dịch là sản phẩm nằm trong các đại dự án của Tập đoàn Vin Group.
Số liệu của Hội Môi giới BĐS Việt Nam và diễn biến thực tế trên thị trường chỉ rõ một số vùng có thị trường bất động sản đã phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây như Đà Nẵng, Nha Trang, Quảng Ninh, Bình Dương, Đồng Nai… cũng cho thấy sự giảm tốc về cả nguồn cung mới và lượng giao dịch do chính quyền các địa phương đang tiến hành rà soát lại hàng loạt các dự án BĐS.
Ở hầu hết các tỉnh thành khác trên cả nước đều ghi nhận sự phát triển của thị trường BĐS và thu hút các nhà đầu tư bởi các thành phố lớn không còn nhiều cơ hội đầu tư. Chủ đạo vẫn là dòng sản phẩm đất nền, giá cả tăng trưởng ổn định.
Trong 6 tháng đầu năm 2019 cũng xuất hiện một số thị trường bất động sản mới như: Hòa Bình, Yên Bái, Bình Định, Phú Yên, Bình Thuận,
Dự báo về tình hình thị trường BĐS trong 6 tháng cuối năm 2019, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng trong 6 tháng cuối năm 2019 nguồn cung BĐS tại Hà Nội chào bán ra thị trường và lượng giao dịch dự kiến tăng mạnh. Giá bán không có nhiều biến động lớn (dao động dưới 5%). Tính hấp thụ tiếp tục duy trì ở mức cao.
Tại thị trường TPHCM, với hàng loạt động thái tích cực từ chính quyền thành phố hứa hẹn sự phát triển mạnh về lượng cung và lượng giao dịch. Tỉ lệ hấp thụ tiếp tục duy trì ở mức cao. Giá dự kiến tăng mạnh, bởi vậy sẽ kích thích các hoạt động đầu tư của các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong 6 tháng cuối năm.
Ông Đính nhấn mạnh phân khúc sản phẩm trung cấp vẫn là phân khúc chủ đạo dẫn dắt thị trường trong 6 tháng cuối năm 2019 và đây cũng là thời gian tiếp tục xuất hiện nhiều dự án mới tại các khu vực có thị trường BĐS mới đang phát triển.
Tại các khu vực Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Ninh… nếu không có sự chuyển biến tích cực từ phía chính quyền địa phương thì thị trường BĐS 6 tháng cuối năm không có biến động so với 6 tháng đầu năm 2019.
Theo Chinhphu.vn