Về tổ chức xây dựng dự thảo Đề án
Để triển khai xây dựng dự thảo Đề án Văn hóa công vụ, Bộ Nội vụ đã ban hành các Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Đề án; gửi công văn đề nghị các Bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình triển khai Quyết định số 129/2007/QĐ -TTg ngày 02/8/2007 về Quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời, Bộ đã tổ chức nhiều cuộc tọa đàm, hội thảo khoa học bàn về xây dựng văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước tại một số tỉnh, thành phố lớn của đất nước như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Thừa Thiên - Huế...
Để có cơ sở lý luận, thực tiễn cho việc xây dựng dự thảo Đề án Văn hóa công vụ, Bộ Nội vụ đã tiến hành các hoạt động nghiên cứu, đánh giá làm rõ thực trạng thực hiện văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước cũng như kết quả thực hiện các nội dung của văn hoá công vụ quy định tại Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức, Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính phủ; Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 05/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ... Kết quả nghiên cứu, đánh giá cho thấy văn hóa công vụ luôn có vai trò rất quan trọng trong tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước và việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Trong thời gian qua, mặc dù Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó có xây dựng văn hóa công vụ, hình thành chuẩn mực, nền nếp làm việc kỷ cương, dân chủ, tuy nhiên việc tổ chức thực hiện văn hóa công vụ trong các cơ quan nhà nước vẫn còn hạn chế nhất định, cụ thể như: nhận thức về văn hóa công vụ của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức còn chưa đầy đủ; vẫn tồn tại một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức thiếu rèn luyện, tu dưỡng, còn bộc lộ sự yếu kém trong giao tiếp, ứng xử, còn thiếu lịch sự, chưa có thái độ tôn trọng, hòa nhã với nhân dân, có biểu hiện thiếu thân thiện, thiếu hợp tác với đồng nghiệp; chưa nghiêm túc chấp hành quy chế, quy định làm việc của cơ quan, tổ chức... Thực trạng trên đòi hỏi cần phải tiếp tục xây dựng, nâng cao văn hóa công vụ, góp phần bảo đảm nề nếp làm việc, tăng cường hiệu quả hoạt động, kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan nhà nước.
Từ cơ sở lý luận và thực tiễn nêu trên, Bộ Nội vụ đã tổng hợp, xây dựng dự thảo Đề án, tổ chức xin ý kiến đóng góp của các Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Quan điểm của Đề án là xây dựng văn hóa công vụ phải đảm bảo kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc; nâng cao đạo đức công vụ của cán bộ, công chức, đạo đức nghề nghiệp của viên chức; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; phòng, chống tham nhũng. Đề án có đối tượng áp dụng là các cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan hành chính nhà nước bao gồm các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành và địa phương, Bộ Nội vụ đã tiếp tục bổ sung, hoàn thiện dự thảo Đề án Văn hóa công vụ và trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành. Ngày 27 tháng 12 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1847/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Văn hóa công vụ.
Đề án đã xác định xây dựng văn hóa công vụ trong cơ quan hành chính bao gồm các nội dung chính sau:
Về tinh thần, thái độ làm việc: Cán bộ, công chức, viên chức phải trung thành với Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; bảo vệ danh dự Tổ quốc và lợi ích quốc gia; tôn trọng và tận tụy phục vụ Nhân dân... Khi thực hiện nhiệm vụ, công vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ý thức rõ về chức trách, bổn phận của bản thân như phải sẵn sàng nhận và nỗ lực hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được phân công; không kén chọn vị trí công tác, chọn việc dễ, bỏ việc khó. Tâm huyết, tận tụy, gương mẫu làm tròn chức trách, nhiệm vụ được giao; không vướng vào “tư duy nhiệm kỳ”; Phải có ý thức tổ chức kỷ luật; sử dụng có hiệu quả thời giờ làm việc; tránh hiện tượng trung bình chủ nghĩa, làm việc qua loa, đại khái, kém hiệu quả; nghiêm chỉnh chấp hành nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức; chủ động phối hợp trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ...
Về chuẩn mực giao tiếp, ứng xử:
Trong giao tiếp với người dân, cán bộ, công chức, viên chức phải tôn trọng, lắng nghe, tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc và giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân. Thực hiện “4 xin, 4 luôn”: xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn, xin phép; luôn mỉm cười, luôn nhẹ nhàng, luôn lắng nghe, luôn giúp đỡ.
Đối với đồng nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức phải có tinh thần hợp tác, tương trợ trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ; không bè phái gây mất đoàn kết nội bộ của cơ quan, tổ chức.
Đối với lãnh đạo cấp trên, cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ thứ bậc hành chính, phục tùng sự chỉ đạo, điều hành, phân công công việc của cấp trên; không trốn tránh, thoái thác nhiệm vụ; không nịnh bợ lấy lòng vì động cơ không trong sáng.
Về chuẩn mực đạo đức, lối sống, cán bộ, công chức, viên chức phải không ngừng học tập, tu dưỡng, rèn luyện về đạo đức, lối sống. Thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; trung thực, giản dị, thẳng thắn, chân thành; không có biểu hiện cơ hội, sống ích kỷ, ganh ghét, đố kỵ... Cán bộ, công chức, viên chức phải tuân thủ chuẩn mực đạo đức gia đình và xã hội, thuần phong mỹ tục, truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc; không mê tín dị đoan và có những hành vi phản cảm khi tham gia lễ hội.
Về trang phục, khi thực hiện nhiệm vụ, cán bộ, công chức, viên chức phải ăn mặc gọn gàng, lịch sự, đi giày hoặc dép có quai hậu. Trang phục phải phù hợp với tính chất công việc, đặc thù trang phục của ngành và thuần phong, mỹ tục của dân tộc. Đối với những ngành có trang phục riêng thì phải thực hiện theo quy định của ngành.
Về tổ chức triển khai thực hiện Đề án
Để triển khai tổ chức thực hiện, Đề án đã xác định rõ nhiệm vụ của Bộ Nội vụ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ chủ trì: Nghiên cứu, đề xuất bổ sung các quy định về văn hóa công vụ trong Luật cán bộ, công chức, Luật viên chức; Biên soạn tài liệu bồi dưỡng và tổ chức bồi dưỡng về văn hóa công vụ trong các cơ quan, tổ chức; Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc; thanh tra, kiểm tra; sơ kết, tổng kết việc thực hiện các quy định về văn hóa công vụ của các cơ quan, tổ chức, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Ngoài các nhiệm vụ được giao chủ trì thực hiện, Bộ Nội vụ có nhiệm vụ phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan có liên quan hướng dẫn các cơ quan thông tin đại chúng từ Trung ương đến địa phương đẩy mạnh công tác truyền thông về văn hóa công vụ, kịp thời nêu gương người tốt, việc tốt, phê phán các hiện tượng cá nhân, tổ chức vi phạm các quy định về văn hóa công vụ; phối hợp với Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các cơ quan liên quan hướng dẫn, triển khai thực hiện các nội dung thi đua về xây dựng cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa; Xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện công nhận cơ quan, đơn vị đạt chuẩn văn hóa phù hợp với mục đích, yêu cầu của Đề án văn hóa công vụ.
Để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được phân công, với vai trò là cơ quan chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc; thanh tra, kiểm tra; sơ kết, tổng kết việc thực hiện các quy định về văn hóa công vụ của các cơ quan, tổ chức, ngày 18 tháng 4 năm 2019, Bộ Nội vụ đã ban hành Quyết định số 319/QĐ-BNV về kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 1847/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Văn hóa công vụ. Kế hoạch đã xác định cụ thể các nội dung công việc, thời hạn và tiến độ hoàn thành, trách nhiệm được phân công của các Bộ, ngành địa phương trong việc triển khai thực hiện Đề án văn hóa công vụ.
Đồng thời, với vai trò là một cơ quan trong hệ thống hành chính nhà nước, Bộ Nội vụ cũng rất tích cực triển khai thực hiện các nội dung của Đề án Văn hóa công vụ trong các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ. Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị, Bộ trưởng đã phân công rõ nhiệm vụ triển khai thực hiện Đề án cho các đơn vị thuộc, trực thuộc cũng như yêu cầu về tiến độ thời gian. Cụ thể như: giao Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì xây dựng kế hoạch của Bộ Nội vụ để triển khai thực hiện Đề án công vụ trong các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ; chủ trì, phối hợp với các đơn vị nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan phù hợp với mục đích, yêu cầu của Văn hóa công vụ thuộc phạm vi của Bộ; đưa nội dung thực hiện văn hóa công vụ vào các chỉ tiêu để đánh giá, bình xét thi đua trong các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ...; giao Văn phòng Bộ tổ chức phát động thi đua thực hiện văn hóa công vụ đến từng cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong các cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ; giao Trung tâm thông tin chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và truyền thông và các đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền về văn hóa công vụ trên phạm vi toàn quốc... Bên cạnh đó, Bộ Nội vụ cũng tích cực công tác tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng về văn hóa công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức trong các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ, góp phần nâng cao nhận thức, từ đó có chuyển biến trong tinh thần, thái độ làm việc, hành vi, ứng xử... của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của Bộ.
Như vậy, có thể thấy rằng, trong quá trình triển khai xây dựng, tổ chức thực hiện Đề án văn hóa công vụ cho đến nay, Bộ Nội vụ đã không ngừng nỗ lực, luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ do Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phân công. Đề án Văn hóa công vụ được Thủ tướng Chính phủ ban hành có ý nghĩa rất quan trọng, nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của dư luận xã hội; góp phần hình thành phong cách ứng xử, lề lối làm việc chuẩn mực của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; đảm bảo tính chuyên nghiệp, trách nhiệm, năng động, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động thực thi nhiệm vụ, công vụ; đáp ứng yêu cầu phục vụ Nhân dân, xã hội.
Theo Moha.gov.vn