Trên địa bàn tỉnh, từ năm 2007 đến nay, việc triển khai thực hiện Quyết định số 129/2007/QĐ-TTg ngày 2-8-2007 của Thủ tướng Chính phủ ban hành kèm theo quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính nhà nước được các ngành, các cấp quan tâm và thực hiện có hiệu quả. Tuy nhiên, nhìn chung việc thực hiện văn hóa công vụ ở các cơ quan, đơn vị vẫn còn hạn chế, bất cập.
Trong những năm gần đây, việc thực hiện nhiều quy định về giờ giấc cùng việc tập trung cho công tác thanh tra, kiểm tra có nhiều tiến bộ đáng kể; cán bộ, công chức tuân thủ tương đối nghiêm túc nội quy về giờ giấc đến và rời công sở. Song, vẫn tồn tại hiện tượng công chức tìm cách đối phó, lách quy định để làm công việc riêng trong giờ làm việc hành chính. Một trong những dẫn chứng là việc công chức đến cơ quan sớm để có mặt và sau đó ra khỏi cơ quan để ăn sáng, hoặc làm những công việc cá nhân khác. Điều đáng nói ở đây là nếu quan sát có thể thấy rằng hiện tượng này thường xảy ra với một nhóm cán bộ, công chức trong cơ quan, và đáng tiếc hơn nữa, tình trạng này tương đối phổ biến.
Ngoài ra, nét đẹp về giao tiếp, ứng xử cũng như việc đối đáp trên điện thoại dường như chưa được thể hiện, hay nói đúng hơn là chưa đạt được chuẩn mực của một công sở văn minh. Đâu đó trong cơ quan, chúng ta vẫn thỉnh thoảng nghe thấy những tiếng cười rộ khá phản cảm từ một nhóm công chức đang tán chuyện. Việc tiếp chuyện, trao đổi điện thoại có thể khẳng định rằng phần nhiều nội dung trao đổi còn rườm rà bởi những tình tiết không thuộc mục đích chính.
Nhìn chung, công chức hiện tại đã thực hiện việc sử dụng trang phục trên cơ sở các quy định yêu cầu đồng thời phù hợp với ngoại hình và khả năng chi tiêu. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn nhiều trường hợp cán bộ, công chức chưa đề cao ý thức trong cung cách ăn mặc khi đến cơ quan. Không quá hiếm trường hợp chúng ta bắt gặp một người đồng nghiệp ở cơ quan trong một trang phục quá tuềnh toàng, hoặc diêm dúa gây sự chú ý phản cảm… Ngay cả việc đeo thẻ công chức cũng dường như là điều miễn cưỡng, khó chịu đối với một số công chức…
Một trong những điều phản ánh sự thiếu chuyên nghiệp của chúng ta đó là văn hóa sử dụng email trong công việc công vụ. Việc sử dụng các email giao dịch công vụ thông qua các nhà cung cấp miễn phí như Gmail, Hotmail, Yahoo… đã trở nên quá phổ biến trong công sở. Phổ biến đến mức trong công văn, văn bản trao đổi công việc cũng ghi cụ thể địa chỉ thư điện tử Gmail, Hotmail, Yahoo… Trong khi đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã cấp cho từng công chức một địa chỉ email chính thức (mail công vụ) của tỉnh để giao dịch, trao đổi thư tín, nhưng xem ra việc sử dụng hòm thư này còn rất hạn chế.
Dĩ nhiên, có thể về tính tiện dụng, tốc độ xử lý hoặc giao diện phần mềm quản lý thư tín của cơ quan chúng ta chưa thực sự đáp ứng nhu cầu người sử dụng (công chức) nhưng việc quay lưng với địa chỉ email chính thức đã góp phần làm trì trệ hóa việc nâng cấp server cũng như những lỗi thường thấy của phần mềm.
Một công sở văn minh thể hiện ngay từ cách bài trí công sở, từ nơi công cộng đến từng vị trí làm việc cá nhân. Ở những sảnh làm việc công cộng, những phòng họp lớn đã từng bước được nâng cấp, bài trí tạo nên một khung cảnh chung khá gọn gàng, ấn tượng và chuyên nghiệp nhưng trong các phòng làm việc chuyên môn của các đơn vị, phòng, ban thì việc bài trí này còn thể hiện sự thiếu quan tâm của chính những người sử dụng. Có không nhiều những phòng làm việc ngăn nắp, gọn, đẹp và tối ưu hóa được diện tích sẵn có mà phần nhiều là những hình ảnh như: bàn ghế kê đặt xộc xệch, tủ tài liệu chật cứng, các quyển tài liệu được xếp xiêu vẹo trong tủ, trên nóc tủ cũng xếp rất nhiều tài liệu, những thiết bị máy tính cũ hỏng, nhiều chồng tài liệu chất đống trên mặt bàn làm việc, những ổ điện nối dài và các dây cắm các thiết bị điện cũng như dây nguồn máy tính đan xen lẫn lộn, rối mắt và gây sự vướng víu…
Một điều dễ nhận thấy nữa ở việc sử dụng tài sản công của cơ quan đó là tình trạng lãng phí, thiếu trách nhiệm trong sử dụng tài sản. Ở nhiều phòng làm việc, máy điều hòa luôn được sử dụng hết công suất thiết kế; máy điều hòa, đèn chiếu sáng… thường xuyên bị quên tắt khi công chức ra khỏi phòng làm việc. Trong công vụ, chúng ta còn lãng phí, cụ thể như việc in ấn văn bản phải sử dụng quá nhiều giấy in, mực in do tình trạng làm hỏng, hoặc không tận dụng giấy sử dụng 1 mặt trong những văn bản mới chỉ dự thảo nháp. Trong khi đó, nhiều trang thiết bị được trang bị lại không được sử dụng, hoặc bị từ chối sử dụng do không thuận tiện nên chỉ sau một thời gian đã hỏng và không còn giá trị sử dụng…
Về việc họp, hội nghị, hội thảo, toạ đàm… là những hoạt động thường xuyên đối với phần lớn cán bộ, công chức. Hiện nay, rất nhiều cuộc họp, hội thảo được diễn ra chưa nghiêm túc mà nguyên nhân căn bản là do văn hóa họp, ý thức của công chức chưa cao. Một hình ảnh đã khá quen thuộc đó là người họp thường đến không đúng giờ khai mạc (không đủ, hoặc đến trễ), trao đổi, làm việc riêng trong thời gian họp (thậm chí ngủ gật), thiếu tính tham gia, xây dựng, phản biện (điển hình là nhiều buổi hội thảo thiếu sôi nổi vì không có hoặc quá ít ý kiến của người tham dự)…
Ngoài ra, hình ảnh những công chức nói chung trong con mắt của nhân dân, của xã hội cũng là một nét văn hóa ngoài công sở mà chúng ta cũng cần quan tâm. Các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội và qua công tác tiếp xúc cử tri, người dân thường xuyên phản ánh những hiện tượng sách nhiễu, những hiện tượng, hình ảnh, văn hóa ứng xử, hành xử… chưa được “văn hóa” trong con mắt nhân dân. Những hiện tượng, hình ảnh đó dấy lên tâm lý thiếu tin tưởng của nhân dân với bộ máy công quyền, công chức, thậm chí nhiều ý kiến gay gắt cho rằng “hình ảnh công chức ngày càng xuống cấp”. Đây luôn là những cảnh báo mà chúng ta đáng quan tâm đối với từng cán bộ, công chức trong mọi hành vi, hành xử, ứng xử ở ngoài cơ quan, ở nơi cư trú cũng như tất cả mọi nơi, mọi tình huống.
Còn rất nhiều nội dung về văn hóa công sở cũng như văn hóa công vụ để quan sát và nhìn nhận như tinh thần, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức; văn hóa tham gia các hoạt động sinh hoạt đoàn thể, ý thức khi tham gia giao thông, ý thức bảo vệ tài sản cá nhân và đồng nghiệp tại công sở, hút thuốc nơi công sở…
Nguyên nhân của những hành vi, hiện tượng không phù hợp với các giá trị văn hoá vốn có đã nêu ở phần trên một phần lớn bắt nguồn từ việc thả lỏng (thiếu khắt khe) với bản thân, trong các đơn vị, tổ chức đôi khi những giá trị khuôn mẫu về văn hóa cũng chưa được quan tâm đầy đủ từ lãnh đạo đến công chức chuyên môn; công tác kiểm tra, thanh tra công vụ của các cơ quan chức năng còn làm chưa đến nơi, đến chốn, chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết…
Để khắc phục những hạn chế bất cập trong văn hóa công vụ như đã nêu trên, một số giải pháp mà các ngành, các cấp cần quan tâm thực hiện trong thời gian tới. Cụ thể, thường xuyên tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là các quy định về chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, văn hóa công sở, quy tắc ứng xử, trách nhiệm nêu gương, sử dụng thời giờ làm việc, tác hại của rượu, bia, chất gây nghiện, pháp luật về trật tự an toàn giao thông và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và UBND tỉnh cho cán bộ, công chức, viên chức, chiến sĩ, đoàn viên, hội viên thuộc quyền quản lý.
Triển khai đồng bộ và sâu rộng trong hệ thống chính quyền các cấp Đề án Văn hóa công vụ của Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành cuối năm 2018 (có giải pháp và lộ trình thực hiện, làm đến nơi đến chốn, không phô trương, hình thức); Chỉ thị số 02/CT-UBND ngày 5-3-2019 của UBND tỉnh về nâng cao hiệu quả sử dụng thời giờ làm việc, không uống rượu, bia trong giờ làm việc đối với cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị, trong đó, cần quan tâm đến quy định về nội dung sử dụng thời giờ làm việc; không uống rượu, bia trong giờ làm việc và giờ nghỉ trưa của các ngày làm việc, kể cả ngày trực tại cơ quan; không uống rượu, bia khi tham gia giao thông; xem đây là một trong những tiêu chí để phân loại, bình xét các danh hiệu thi đua của cá nhân và tập thể hàng năm.
Cần tăng cường hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra công vụ và giờ giấc. Ngoài đoàn kiểm tra cấp tỉnh do Sở Nội vụ chủ trì, thì các ngành, các cấp cần quan tâm thực hiện nghiêm việc kiểm tra và tự kiểm tra trong phạm vi đơn vị, địa phương mình; có biện pháp xử lý nghiêm những hành vi vi phạm văn hóa công vụ đối với các tập thể và cá nhân cố tình vi phạm và vi phạm nhiều lần; đồng thời cũng tiến hành biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt công tác này ở mọi lúc, mọi nơi.
Theo báo Đồng Khởi