Tại Việt Nam, trong cơ cấu tiêu thụ năng lượng, nhất là điện năng thì công nghiệp đang chiếm tỷ trọng khá cao, chiếm tới hơn 50% tổng sản lượng tiêu thụ. Có những ngành sản xuất tiêu tốn năng lượng rất cao như xi-măng, sản xuất thép, giấy, hóa chất... Mặc dù Chính phủ, Bộ Công thương và các bộ, ngành khác đã có nhiều nỗ lực, giải pháp nhằm sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, tuy nhiên kết quả vẫn chưa được như kỳ vọng, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp. Vấn đề cấp bách đặt ra hiện nay là làm sao nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, nhất là trong bối cảnh nguồn tài nguyên hóa thạch đang dần cạn kiệt. Trên thực tế, mô hình đầu tư sử dụng, tiết kiệm năng lượng (TKNL) hiệu quả đã được triển khai tại Việt Nam song thị trường chưa phát triển do đây là một mô hình mới. Nhiều doanh nghiệp (DN) cũng nhận thức khá đầy đủ về nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng song do nguồn vốn còn nhiều hạn chế cho nên khó triển khai trong thực tế.
Nhận thức rõ thực trạng trên, Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” tập trung vào việc hỗ trợ kỹ thuật trực tiếp cho các đơn vị cung cấp dịch vụ năng lượng (gồm các công ty dịch vụ năng lượng và các trung tâm TKNL, gọi tắt là ESCO) và các cán bộ quản lý nhà nước liên quan lĩnh vực tiết kiệm và hiệu quả năng lượng (TK và HQNL). Thông qua hình thức đào tạo, thực hành tại các dự án thí điểm, họ có cơ hội được triển khai tất cả các bước thực hiện dự án đầu tư TK và HQNL theo mô hình kinh doanh ESCO. Dự án được thiết kế nhằm góp phần xóa bỏ các rào cản đã được nhận dạng để thúc đẩy sự phát triển của các ESCO và tạo môi trường thuận lợi thực hiện các dự án đầu tư TK và HQNL, góp phần giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ môi trường.
Cụ thể, chương trình sẽ tổ chức hai khóa đào tạo về quản lý và công nghệ nhằm giúp người tham gia nắm bắt được các xu hướng chính sách năng lượng chung; các kiến thức về hệ thống quản lý năng lượng (ISO 50001); các công nghệ TKNL; giải pháp triển khai các dự án ESCO. Chương trình cũng sẽ tiến hành tham khảo hơn 2.000 DN có mức sử dụng năng lượng cao tại Việt Nam ở tất cả lĩnh vực ngành nghề, sau đó sẽ lựa chọn ra 50 DN để tiến hành khảo sát, nghiên cứu, đánh giá và tìm ra các phương thức hỗ trợ cụ thể căn cứ theo từng ngành nghề. Cuối cùng là chọn 10 DN để thực hiện kiểm toán năng lượng (KTNL) được tiến hành bởi các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc và Việt Nam. Trên cơ sở kết quả KTNL sẽ xác định được các dự án thí điểm. Dự án còn hỗ trợ thực hiện đầu tư và tài chính bao gồm các nhiệm vụ điều tra về các quỹ đầu tư có năng lực, sẵn sàng tham gia; cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư ESCO và hỗ trợ vay vốn cho các DN có yêu cầu; khuyến nghị mô hình đầu tư lý tưởng cho Việt Nam.
Dự án được thực hiện từ tháng 12-2017 đến tháng 12-2019, gồm ba hợp phần chính. Hợp phần 1: Xây dựng năng lực phát triển dự án đầu tư TK và HQNL trong công nghiệp; hợp phần 2: Xác định các dự án đầu tư TK và HQNL trong công nghiệp (giai đoạn thí điểm I); hợp phần 3: Hỗ trợ thực hiện các dự án đầu tư TK và HQNL trong công nghiệp (giai đoạn thí điểm II). Đối tượng thụ hưởng chính của dự án bao gồm: Các ESCO, các cán bộ thuộc cơ quan quản lý nhà nước liên quan quản lý lĩnh vực TKNL, các DN sử dụng năng lượng trọng điểm, những DN phải thực hiện KTNL ba năm một lần theo Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Với sự tham gia của các ngân hàng thương mại như VCB, BIDV, Techcombank, VietinBank…, các DN sẽ dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay nhằm triển khai hiệu quả các dự án TKNL. Ông Kim Chi-nô, Giám đốc quốc gia Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) Việt Nam cho biết, KOICA đã làm việc với Bộ Công thương và các bên liên quan, nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện thành công chương trình VNEEP. Dự án thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam sẽ xây dựng những giải pháp kỹ thuật và tài chính, góp phần hỗ trợ Việt Nam đạt được mục tiêu phát triển bền vững và thực hiện cam kết của Thỏa thuận Pa-ri về chống biến đổi khí hậu.
Thông qua việc đánh giá, tìm hiểu công nghệ TKNL của 2.409 DN sử dụng năng lượng trọng điểm (theo Quyết định số 1305/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), dự án đã lựa chọn 10 DN thực hiện KTNL dưới sự giám sát của các chuyên gia năng lượng Hàn Quốc. 10 DN tiêu thụ năng lượng trọng điểm được lựa chọn thực hiện KTNL, gồm: Công ty CP Giấy An Hòa; Công ty CP Tập đoàn Dabaco Việt Nam; Công ty CP Nhiệt điện Phả Lại; Công ty TNHH MTV Xi-măng Vicem Hải Phòng; Công ty CP Cao-su Đà Nẵng; Công ty CP Lọc hóa dầu Bình Sơn; Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh; Tổng Công ty Việt Thắng - CTCP; Công ty CP Gang thép Cao Bằng; Công ty CP Xi-măng Bỉm Sơn. Kết quả, 108 giải pháp TKNL được đề xuất. Thực hiện các giải pháp, các DN có tiềm năng tiết kiệm chi phí khoảng 78 nghìn USD/năm (tỷ lệ tiết kiệm 4,8% tổng tiêu thụ năng lượng), với mức đầu tư dự kiến gần 200 nghìn USD, thời gian hoàn vốn 2,6 năm, cắt giảm 606 nghìn tấn CO2/năm.
Vụ trưởng TKNL và Phát triển bền vững Nguyễn Thị Lâm Giang khẳng định: Chương trình VNEEP 3 có ý nghĩa quan trọng khi thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam, giúp thúc đẩy việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong công nghiệp, góp phần đưa chương trình VNEEP đạt các mục tiêu đề ra. Bà Nguyễn Thị Lâm Giang khẳng định, để đạt được mục tiêu đề ra, bên cạnh những nỗ lực của Chính phủ, tổ chức, cá nhân trong nước, Chính phủ Việt Nam cũng nhận được những hỗ trợ từ nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ. Dự án “Thúc đẩy thị trường đầu tư hiệu quả năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp Việt Nam” là một phần trong quan hệ hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Hàn Quốc nhằm hỗ trợ Việt Nam thực hiện Chương trình VNEEP 3 với mục tiêu phát triển bền vững.
Theo Nhân dân điện tử