Năm 2018, công tác phòng chống thiên tai đã được các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp huyện Gia Lâm quan tâm chỉ đạo sâu sát, quyết liệt như: Các điểm úng ngập tại địa phương cơ bản đã được xử lý khắc phục không còn tình trạng ngập úng kéo dài ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân.
Những sự cố về đê điều và công trình thủy lợi được UBND TP, Sở NN&PTNT chỉ đạo kịp thời, lập dự án xử lý cấp bách có hiệu quả với các sự cố nguy hiểm đảm bảo an toàn công tác phòng chống lụt bão. Theo đó, đã kiểm tra 06 cống qua đê; đầu tư, gia cố, tu bổ hệ thống đê điều trên địa bàn; mua và cấp bổ sung vật tư cho các điếm canh đê, kho vật tư của huyện đủ số lượng theo quy định.
Toàn huyện đã thành lập 26 đội tuần tra canh đê gồm 468 người để phát hiện, xử lý những sự cố đê điều ngay từ giờ đầu. Ban Chỉ huy Quân sự huyện đã thành lập đội xung kích gồm 60 người làm nhiệm vụ cơ động cứu hộ đê. Ngoài ra, huyện đã xây dụng lực lượng dân quân tự vệ, các đội dân phòng, an ninh tham gia công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn gồm 5.200 người, tại 26 điếm canh đê, mỗi điếm 200 người. Cùng với đó, điều động lực lượng xung kích 2 tại các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn, gồm 2.800 dân quân tự vệ, Liên đoàn lao động 800 người, Huyện đoàn 400 người và các xã, thị trấn 1.200 người.
Năm 2018, trên địa bàn huyện có 31 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, đã xử lý 12 vụ, còn tồn tại 19 vụ; Đã xử lý 121 vụ xe quá tải, quá khổ đi trên đê, xử phạt gần 500 triệu đồng, tước giấy phép lái xe 12 trường hợp; đã phát hiện 8 vụ khai thác cát trái phép trên sông, xử phạt 139,3 triệu đồng. Huyện cũng phát hiện 349 trường hợp vi phạm công trình thủy lợi, trong đó, đã xác lập biên bản và hiện trạng vi phạm đối với 338 trường hợp.
Nhìn chung, năm 2018, các sự cố về đê điều, thủy lợi, ngập úng do mưa bão trên địa bàn được xử lý và khắc phục kịp thời, có hiệu quả không có thiệt hại về người và tài sản; về sản xuất nông nghiệp không có thiệt hại lớn do mưa bão gây ra. Tuy nhiên, việc xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai ở một số địa phương còn mang tính hình thức, chưa sát với thực tế. Đồng thời, việc tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân chủ động ứng phó với thiên tai chưa được thường xuyên, liên tục; Vẫn còn tình trạng vi phạm pháp luật đê điều, công trình thủy lợi trên địa bàn, công tác xử lý vi phạm chưa cương quyết, dứt điểm, dẫn đến tái vi phạm.
Năm 2019, huyện Gia Lâm đặt mục tiêu chủ động và thường xuyên trong công tác phòng, chống thiên tai, đồng thời, ứng phó kịp thời để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản; Thực hiện phòng, chống thiên tai theo hướng quản lý rủi ro thiên tai đảm bảo theo phương châm “Chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả, trong đó, lấy phòng tránh là chính” trên cơ sở phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, khắc phục các vị trí có khả năng ngập úng khi có mưa lớn, giảm thiểu tối đa số điểm và thời gian ngập úng cục bộ. Đảm bảo mỹ quan đô thị vệ sinh môi trường, an toàn tuyệt đối trên hệ thống thoát nước. Tăng cường thông tin, tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn các biện pháp phòng, tránh ứng phó thiên tai kịp thời đến nhân dân trong huyện. Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng để phát huy ý thức tự giác, chủ động phòng, tránh thiên tai của nhân dân trên địa bàn huyện.
Theo Hà Nội portal