Thái Nguyên: Chủ động phòng, chống để giảm thiểu thiệt hại do thiên tai

Thứ hai, 03/06/2019 15:43
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ
Rút kinh nghiệm từ những thiệt hại trong mùa mưa bão năm 2018, ngay từ đầu năm nay, các cấp, ngành chức năng ở huyện Võ Nhai đã tập trung xây dựng và triển khai phương án phòng, chống lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, đá, ngập úng... Qua đó nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra trên địa bàn huyện.

Phao cứu sinh được tích trữ tại Cụm khai thác thủy lợi hồ Quán Chẽ để phục vụ công tác phòng, chống thiên tai - tìm kiếm cứu nạn.

Trong mùa mưa bão năm 2018, nhiều tuyến đường, ngầm tạm tại các xã: Phương Giao, Thượng Nung, Tràng Xá, Cúc Đường, Sảng Mộc của huyện Võ Nhai đã bị sạt lở, gây cản trở việc đi lại, giao thương hàng hóa của nhân dân địa phương, tổng thiệt hại về vật chất khoảng 4,4 tỷ đồng. Các trận gió lốc kèm theo mưa lớn cũng làm đổ 1 nhà, tốc mái 129 nhà dân. Mưa dông kèm gió lốc còn gây thiệt hại về tài sản và hoa màu của nhân dân (với trên 48ha ngô, 0,1ha lúa, 400m2 nhà lưới bị thiệt hại)...

Ông Hoàng Kim Trung, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Nông nghiệp - PTNT,  cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (BCH PCTT-TKCN) của huyện, cho biết: Võ Nhai là huyện vùng cao có nhiều đồi núi, địa hình bị chia cắt với nhiều khe suối. Do vậy, trong mùa mưa bão, khi lượng mưa từ 50-100mm thì tình trạng lũ ống, lũ quét rất dễ xảy ra tại nhiều nơi trên địa bàn huyện. Vì thế, công tác PCTT-TKCN luôn được các cấp, ngành của huyện đặc biệt quan tâm.

Năm 2019, dự báo tình hình thời tiết, khí hậu sẽ diễn biến phức tạp. Do vậy, ngay từ đầu năm, huyện Võ Nhai đã kiện toàn BCH PCTT-TKCN từ cấp huyện đến cơ sở, có sự phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên. Cùng với đó, UBND huyện đã ban hành Chỉ thị số 13/CT-UBND ngày 5/1/2019 về công tác PCTT-TKCN; xây dựng phương án PCTT-TKCN, trong đó chỉ ra những vị trí trọng điểm có nhiều khả năng bị ảnh hưởng của úng lụt, lũ quét, như: Khu vực phố Đình Cả, các xóm Thái Long, Bãi Lai, Cổ Rồng, một phần xóm Hùng Sơn, thị trấn Đình Cả; các xóm dọc Quốc lộ 1B, xã La Hiên; xóm Đồng Chăn, xã Lâu Thượng; hồ Quán Chẽ, xã Dân Tiến; hồ Lòng Thuyền, xã La Hiên; hồ Cây Hồng, xã Lâu Thượng... Bên cạnh đó, UBND huyện cũng giao trách nhiệm cho UBND các xã, thị trấn, cơ quan, đơn vị xây dựng phương án PCTT-TKCN riêng đảm bảo phương châm "4 tại chỗ" sát với thực tế.

Ngoài ra, huyện đã xác định các điểm dễ xảy ra sạt lở đất, đá, thường hay bị ngập lụt ở các xã, thị trấn, các mỏ khai thác đá, mỏ vàng để cảnh báo người dân không đi lại những địa điểm này trong ngày mưa bão. Huyện còn chỉ đạo các xã, thị trấn tăng cường kiểm tra các công trình trọng điểm về giao thông, thủy lợi, các vị trí thường xảy ra sạt lở đất, đá ở ven suối, đồi núi và nơi có hộ dân sinh sống dễ bị sạt lở và ngập lụt; tiến hành rà soát, thống kê các hộ dân nằm trong vùng có nguy cơ cao sạt lở đất, đá, lũ ống, lũ quét và ngập úng để có phương án di chuyển ra vị trí an toàn hoặc có biện pháp cải tạo tại chỗ, loại bỏ các yếu tố gây nguy hiểm. Để sẵn sàng ứng cứu thành công trong mọi tình huống, huyện đã chuẩn bị vật tư dự trữ PCTT-TKCN tại các kho vật tư của Ban Chỉ huy Quân sự huyện, Trạm Khai thác thủy lợi Võ Nhai (thuộc Công ty TNHH Một thành viên Khai thác thủy lợi Thái Nguyên), hồ Quán Chẽ và UBND các xã, thị trấn với tổng số 6.670 bao tải, 800m2 bạt dứa, 5 nhà bạt (với diện tích 16 m2/nhà), 300 dây thừng, 515 phao cứu sinh, 228 áo phao cứu sinh, 13 đầm gang, 100 chiếc cuốc, 80 chiếc xẻng, 37 xà beng, 20 bộ cọc tiêu đa năng, 1 xuồng máy, 1 máy phát điện...; thành lập lực lượng xung kích tại các xã, thị trấn; củng cố mạng lưới thông tin liên lạc được thông suốt 24/24 giờ.

Dân Tiến là một trong những xã có địa hình phức tạp, nhiều đồi núi, có hệ thống sông Rong. Khi có mưa to kéo dài, nước ở các sườn đồi dồn về rất nhanh, gây lũ cục bộ. Trên địa bàn xã còn có hồ Quán Chẽ, một trong những công trình trọng điểm của tỉnh và huyện, do Trạm Khai thác thủy lợi Võ Nhai quản lý. Công trình không những đảm bảo nguồn nước tưới cho 360ha lúa và hoa màu của 2 xã Dân Tiến, Bình Long mà còn phục vụ công tác phòng, chống lụt bão, đảm bảo an toàn cho người và tài sản của Nhà nước, nhân dân. Do vậy, Trạm đã xây dựng phương án PCTT-TKCN riêng cho hồ.

Ông Nguyễn Xuân Thành, Trạm Phó phụ trách Trạm Khai thác thủy lợi Võ Nhai cho biết: UBND huyện đã kiện toàn BCH PCTT-TKCN riêng cho hồ Quán Chẽ gồm 43 người, do đồng chí Chủ tịch UBND xã Dân Tiến làm Trưởng ban, 3 phó ban là đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã Dân Tiến, Phó Chủ tịch UBND xã Bình Long và Cụm trưởng Cụm khai thác thủy lợi hồ Quán Chẽ. Để đề phòng có sự cố xảy ra tại công trình, chúng tôi bố trí người trực và kiểm tra công trình 24/24 giờ khi có mưa bão. Khi có báo động cấp 1, BCH PCTT-TKCN công trình sẽ phân công các thành viên trực ở các vị trí hạng mục công trình đầu mối, thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hạng mục công trình và mực nước hồ diễn biến từng thời điểm. Khi có báo động cấp, lực lượng thanh niên, dân quân xung kích có mặt tại công trình để sẵn sàng làm nhiệm vụ. Khi có báo động cấp 3 mà trời vẫn tiếp tục mưa to có thể xảy ra sự cố công trình, BCH PCTT-TKCN của công trình sẽ điều động nhân lực dân quân xung kích, thanh niên và phương tiện, di chuyển dân ở nơi nguy hiểm tập kết chuyển đến nơi ở an toàn...

Với sự vào cuộc tích cực trong việc xây dựng phương án xử lý các tình huống, chuẩn bị đầy đủ vật tư, lực lượng phục vụ công tác PCTT-TKCN, huyện Võ Nhai phấn đấu hạn chế đến mức thấp nhất những thiệt hại về người và tài sản trong mùa mưa bão năm nay.


Theo báo Thái Nguyên

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)