Dự thảo Nghị định mới được xây dựng nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và phù hợp với các quy định của Luật Đầu tư công (2019), Luật Quản lý nợ công (2017), Luật Ngân sách Nhà nước (2015) và Luật Điều ước quốc tế (2016)…
Theo quy định hiện hành, vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài thuộc vốn đầu tư công, do đó phải tuân thủ quy định của Luật Đầu tư công năm 2019.
Tuy nhiên, dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Đầu tư công 2019 chỉ áp dụng đối với các chương trình, dự án sử dụng vốn đầu tư công, chưa bao gồm các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.
Còn theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017, Chính phủ quy định chi tiết việc quản lý vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi nước ngoài do tính chất đặc thù của các chương trình, dự án sử dụng vốn vay nước ngoài.
Bên cạnh đó, Nghị định mới cũng được kỳ vọng sẽ tháo gỡ những vướng mắc, bất hợp lý trong thực tiễn triển khai Nghị định số 16/2016/NĐ-CP và Nghị định số 132/2018/NĐ-CP về quản lý và sử dụng ODA, vốn vay ưu đãi, đồng thời bảo đảm tính khả thi ngay khi ban hành.
Việc ban hành Nghị định mới cũng sẽ góp phần tăng cường đổi mới công tác quản lý, đơn giản hóa thủ tục, tăng cường phân cấp để tạo thuận lợi cho việc tiếp nhận vốn ODA không hoàn lại.
Trong bối cảnh Việt Nam đã “tốt nghiệp IDA”, các nguồn vốn vay ưu đãi ngày càng hạn hẹp, trong khi lãi suất ngày càng tiệm cận lãi suất vốn vay thương mại, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về ODA và vốn vay ưu đãi, nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ là các quy định mới về sử dụng vốn ODA phải tạo thuận lợi nhất cho việc tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay phải trả lãi suất này.
Trong thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban hành một loạt quy định nhằm nâng cao hiệu quả thu hút, sử dụng vốn vay nước ngoài, trong đó có Nghị định về cho chính quyền địa phương vay lại, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng thu hút, sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ giai đoạn 2018-2020, tầm nhìn 2021-2025, trình Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công, trong đó chú trọng cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền mạnh hơn…
Chính phủ quyết định điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm sang nơi thực sự có nhu cầu bổ sung để đẩy nhanh tiến độ thực hiện; không sử dụng vốn vay cho các mục đích chi thường xuyên; thắt chặt quản lý và sử dụng vốn dôi dư.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cũng đã chủ trì cuộc họp giữa Ban Chỉ đạo và nhóm 6 ngân hàng tài trợ cho Việt Nam hồi giữa năm 2019 để bàn giải pháp thống nhất các biện pháp thúc đẩy giải ngân nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi.
Theo Chinhphu.vn