Hạn chế phát thải khí nhà kính: Cần sự chung tay của cả cộng đồng

Thứ hai, 17/02/2020 15:05
Từ viết tắt Xem với cỡ chữ

Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Hà Nội liên tục xuất hiện các hình thái thời tiết bất thường, cho thấy biến đổi khí hậu ngày càng diễn biến phức tạp. Nhằm hạn chế đến mức thấp nhất ảnh hưởng tiêu cực với môi trường tự nhiên, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, có nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính. Để làm tốt nhiệm vụ này, đòi hỏi sự chung tay của cả cộng đồng.

Xác định 5 lĩnh vực phát thải khí nhà kính

Thành phố Hà Nội có tốc độ đô thị hóa và số dân tăng nhanh nên đối mặt những thách thức lớn từ ô nhiễm môi trường và phát thải khí nhà kính. Theo tính toán mới nhất của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tổng phát thải khí nhà kính lĩnh vực năng lượng của thành phố trong năm 2015 là hơn 12.167.000 tấn CO2 tương đương, trong đó, tiêu biểu lĩnh vực dân cư chiếm tỷ trọng cao nhất, khoảng 55,58%; tiếp đến tiểu lĩnh vực công nghiệp sản xuất và xây dựng khoảng 28,77%.

Theo ông Lê Tuấn Định, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, tiêu thụ điện ở khu vực dân cư là nguồn phát thải lớn nhất, chiếm hơn một nửa tổng phát thải của toàn thành phố trong lĩnh vực năng lượng, khoảng 52%. Nguồn phát thải thứ hai từ tiêu thụ điện trong công nghiệp sản xuất và xây dựng, chiếm khoảng 29%. Còn tổng 2 nguồn phát thải liên quan đến tiêu thụ than tổ ong từ hoạt động thương mại và dân sinh là 5%. Trong hoạt động công nghiệp, tổng lượng phát thải nhà kính trên địa bàn thành phố chủ yếu từ sản xuất xi măng khoảng 171.700 tấn CO2. Còn trong lĩnh vực nông nghiệp, tổng lượng phát thải khí nhà kính tương đương 3.273.000 tấn CO2.   

Như vậy, tổng phát thải khí nhà kính của Hà Nội năm 2015 của cả 5 lĩnh vực nêu trên là 18.181.091 tấn CO2 tương đương, chiếm 7% tổng phát thải của quốc gia năm 2013. Trong đó, lĩnh vực năng lượng là lĩnh vực có tỷ lệ phát thải lớn nhất, chiếm 67%; tiếp đến là lĩnh vực nông nghiệp, chất thải; lĩnh vực các quá trình công nghiệp chiếm tỷ lệ nhỏ nhất, chỉ 1% trong tổng phát thải khí nhà kính.

Nỗ lực giảm thiểu

Ðể giải quyết vấn đề nêu trên, từ năm 2016, thành phố Hà Nội đã tiến hành thống kê, đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý phát thải khí nhà kính. Theo đó, cùng với đề xuất các nhóm giải pháp trong hoạt động chôn, đốt rác thải, nước thải công nghiệp, sinh hoạt, hoạt động chăn nuôi, thành phố còn khuyến khích sử dụng năng lượng tái tạo. Cùng với đó, triển khai các dự án hạn chế phát thải khí nhà kính trong các lĩnh vực: Quy hoạch đô thị, năng lượng, giao thông vận tải, công nghiệp, xây dựng, y tế, nông nghiệp, du lịch…

Đáng chú ý, trong các năm 2017 và 2018, hàng hoạt các nhiệm vụ thuộc Chương trình hành động áp dụng sản xuất sạch hơn cũng đã được thành phố tập trung triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền, tập huấn, phổ biến thông tin về áp dụng sản xuất sạch hơn và hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn cho 50 cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố. Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn đã tiết kiệm 8-10% mức tiêu thụ nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, năng lượng trên đơn vị sản phẩm. Không chỉ có vậy, trong khuôn khổ chương trình hành động còn góp phần làm tăng thêm 20% các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố.

Ngoài triển khai các hoạt động tiết kiệm năng lượng nhằm giảm thiểu khí nhà kính, thực hiện nhiệm vụ này, thời gian qua, các sở, ngành liên quan đã triển khai nhiều hoạt động hiệu quả, thiết thực. Chẳng hạn, Sở Công Thương đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền về ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố. Lồng ghép các hoạt động tuyên truyền về hành động thích ứng và giảm nhẹ gắn với các nội dung của kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu và các hoạt động hưởng ứng chiến dịch Giờ trái đất. Sở NN&PTNT đã triển khai nhiều giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, trên địa bàn thành phố triển khai một số hoạt động nhằm giảm ô nhiễm không khí, nhưng thực hiện mô hình cánh đồng không đốt rơm rạ và phấn đấu đến năm 2020, không còn tình trạng đốt rơm, rạ trên địa bàn thành phố; loại bỏ bếp than tổ ong nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường; thực hiện Chương trình 01 triệu cây xanh; tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm…

Cùng với đó, một trong những giải pháp được đánh giá cao đó là thành phố đã chỉ đạo, tại các tòa nhà, các khu đô thị mới, ngay khi thiết kế quy hoạch kiến trúc phải thiết kế lắp đặt hệ thống đèn led tiết kiệm điện, thiết kế kiến trúc xanh, tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường. Còn trong công tác tác quan trắc, giám sát chất lượng môi trường và kiểm soát nguồn chất thải ô nhiễm môi trường, trên địa bàn thành phố đã đưa vào vận hành 10 trạm quan trắc không khí tự động; tổ chức quản lý, vận hành 06 trạm quan trắc nước mặt tự động. Thực hiện nghị quyết của HĐND thành phố, UBND thành phố cũng đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường là chủ đầu tư thực hiện dự án đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn thành phố. Hiện nay, Sở đang triển khai, bảo đảm tiến độ đưa vào khai thác trong năm 2020 gồm: Mạng lưới 33 quan trắc môi trường không khí, 12 trạm quan trắc môi trường nước. Đồng thời, cải tạo, nâng cấp trạm quan trắc không khí cố định tại Minh Khai; xây dựng trung tâm điều hành và quản lý dữ liệu tài nguyên và môi trường tại Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội…  

“Có thể nói, các hoạt động trên đã góp phần quan trọng vào tiến trình xây dựng và thực hiện thành công mục tiêu giảm nhẹ phát thải khí nhà kính của thành phố. Tuy nhiên, để giảm nhẹ khí nhà kính đòi hỏi phải có sự chung tay của cả cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường”, ông Lê Tuấn Định nhấn mạnh.


Theo Hà Nội portal

Tìm theo ngày :

Đánh giá

(Di chuột vào ngôi sao để chọn điểm)