Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là khâu cực kỳ quan trọng, là phát triển bền vững trong lĩnh vực năng lượng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi nguồn năng lượng truyền thống đang cạn kiệt dần.
Trong năm 2018, triển khai Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Hà Nội đã tiết kiệm được 385 triệu kWh, xấp xỉ 2,15% lượng điện thương phẩm, tương đương 735,35 tỷ đồng. Có được kết quả như vậy là do Thành phố đã thúc đẩy các hoạt động tiết kiệm năng lượng trên địa bàn thông qua đẩy mạnh công tác tuyên truyền; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận, ứng dụng các thiết bị hiệu suất cao; ứng dụng công nghệ mới, tiết kiệm năng lượng trong chiếu sáng công cộng và giao thông vận tải; duy trì phong trào hộ gia đình tiết kiệm điện, tiết kiệm năng lượng…
Đáng chú ý, Hà Nội đã vận động 60 cơ sở tham gia công nhận danh hiệu Cơ sở sử dụng “Năng lượng xanh” theo Tiêu chí của Thành phố và công nhận danh hiệu “Năng lượng xanh” cho 19 cơ sở, công trình xây dựng. Hỗ trợ 61 cơ sở thực hiện kiểm toán năng lượng; 6 cơ sở xây dựng hệ thống quản lý năng lượng; xây dựng bộ công cụ, mô hình tính toán tự động chỉ số hiệu quả năng lượng 11 cho cơ sở; mô phỏng năng lượng thí điểm cho 5 tòa nhà.
Ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương - Cơ quan Thường trực Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả Thành phố Hà Nội cho biết, năm 2018, Ban Chủ nhiệm Chương trình đã tham mưu giúp UBND Thành phố điều phối, tổ chức hoạt động của Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn Thành phố đạt hiệu quả tích cực. Đặc biệt, thành phố Hà Nội được Bộ Công Thương đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong việc thực hiện sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả góp phần quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu Quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của cả nước.
Theo đánh giá sơ bộ, việc triển khai Chương trình năm 2018 giúp tiết kiệm 149,4 kTOE đạt 2,05% so với dự báo nhu cầu đạt kế hoạch và mục tiêu đặt ra, trong đó, lượng điện tiết kiệm đến hết năm 2018 là 385 triệu kWh xấp xỉ 2,15% lượng điện thương phẩm, tương đương 735,35 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đã đạt thì Chương trình cũng gặp phải một số khó khăn như các cơ sở chưa có hệ thống quản lý năng lượng một cách bền vững; chưa có cán bộ chuyên trách về quản lý năng lượng, năng lực cán bộ quản lý năng lượng tại các cơ sở còn hạn chế; các cơ sở gặp khó khăn trong việc tính chỉ số hiệu quả năng lượng. Một số doanh nghiệp thuộc một số ngành công nghiệp trọng điểm (hóa chất, bia và nước giải phát, thép, nhựa, giấy) chưa thực hiện đầy đủ báo cáo định mức tiêu hao năng lượng; chất lượng báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu theo quy định…
Ông Bùi Huy Quang, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, để việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, thời gian tới, cần đẩy mạnh công tác thanh kiểm tra những đơn vị sử dụng nhiều năng lượng phải tuân thủ quy định về tiết kiệm năng lượng.
Cùng với việc đẩy mạnh sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong lĩnh vực công nghiệp, các tòa nhà, hộ gia đình, cần triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực như: giao thông vận tải, chiếu sáng công cộng, nông nghiệp để Chương trình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đem lại hiệu quả thiết thực.
Theo Chinhphu.vn