Tiêu thụ tăng 12%
Theo số liệu thống kê của Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện cả nước có 82 dây chuyền sản xuất xi-măng với công suất thiết kế hơn 90 triệu tấn. Sản lượng tiêu thụ năm 2018 hơn 95 triệu tấn, tăng 12% so với năm 2017. Trong đó, tiêu thụ trong nước hơn 65 triệu tấn, tăng 10%; xuất khẩu khoảng 30 triệu tấn, tăng 50% so với năm 2017, đạt kim ngạch xuất khẩu hơn một tỷ USD, đưa ngành xi-măng vào danh mục những nhóm hàng xuất khẩu TỶ USD.
Theo Tổng Giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi-măng Việt Nam (VICEM) Bùi Hồng Minh, mặc dù gặp nhiều thuận lợi như: kinh tế ổn định, ngành xây dựng tăng trưởng 8 đến 9%, nhiều dây chuyền xi-măng Trung Quốc đóng cửa do ô nhiễm..., tuy nhiên, ngành xi-măng vẫn còn nhiều khó khăn. Thị trường trong nước khá căng thẳng với sự cạnh tranh khốc liệt từ các thương hiệu xi-măng giá rẻ. Giá năng lượng quốc tế và trong nước đều tăng, trong đó giá than tăng hai lần trong năm qua. Nguồn than trong nước hạn chế, trong khi đó việc nhập khẩu than của các doanh nghiệp xi-măng còn phức tạp, dẫn đến một số thời điểm, nhất là vào mùa mưa bão, nhiều đơn vị của VICEM phải lo than từng ngày. Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung Quốc cũng tác động đến nhiều vấn đề, các lĩnh vực liên quan đến nhập khẩu như: vận tải, giá than, tỷ giá ngoại tệ, lãi suất ngân hàng... đều tăng. Tuy nhiên, sản xuất và tiêu thụ của VICEM vẫn đạt được nhiều bước tiến tích cực, hiệu suất các dây chuyền trong Tổng công ty đã tăng 10% so với công suất thiết kế, tiêu thụ 29,3 triệu tấn, lượng tồn kho chỉ còn khoảng 10 ngày sản xuất, tương đương 900 nghìn tấn. Bên cạnh đó, VICEM đã xuất khẩu được 18% tổng sản phẩm, trong đó tỷ trọng xi-măng chiếm khoảng 70%, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn, góp phần tăng mức lợi nhuận của toàn Tổng công ty lên gần 11% so với năm 2017, đạt gần 3.000 tỷ đồng.
Dự kiến năm nay có thêm hai dây chuyền sản xuất xi-măng vận hành, nâng tổng số lên 84 dây chuyền sản xuất với tổng công suất khoảng 102 triệu tấn. So với Quyết định số 1488/QĐ-TTg (ngày 29-8-2011) của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển công nghiệp xi-măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030 (Quy hoạch 1488), đến nay, việc đầu tư sản xuất xi-măng đã giảm 26 dây chuyền và giảm 18,96 triệu tấn so với Quy hoạch được phê duyệt. Điều này cho thấy, thị trường xi-măng cơ bản đã tự sắp xếp để vận hành ổn định hơn, do đó mối lo về cung vượt cầu cơ bản được kiểm soát. Số liệu tiêu thụ từ năm 2012 đến nay, sản lượng xi-măng tiêu thụ hằng năm tăng từ 5 đến 10%, năng suất toàn ngành trung bình đạt 86% công suất thiết kế. Năng lực, chi phí sản xuất, thị trường tiêu thụ... của các nhà máy khác nhau sẽ dẫn đến những thời điểm cạnh tranh căng thẳng, nhất là các nhà máy công suất nhỏ, dây chuyền thiết bị lạc hậu, chi phí sản xuất cao... cho nên ngành cần có những bước căn chỉnh thích hợp để tồn tại và phát triển.
Hiện nay, do xuất khẩu clanh-ke và xi-măng được giá, nên một số doanh nghiệp tập trung đẩy mạnh xuất khẩu. Tình trạng “lơ là” thị trường trong nước, đang được cảnh báo có thể dẫn đến nguy cơ thiếu cục bộ xi-măng, nhất là vào mùa xây dựng. Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung, điều này không đáng lo ngại. Trước đây giá bán clanh-ke và xi-măng trong nước bao giờ cũng cao hơn xuất khẩu, tuy nhiên năm 2018 giá xuất khẩu cao hơn. Nhiều nhà nhập khẩu đến tìm mua nhưng không có hàng để bán. Với tình hình tiêu thụ hiện nay, có thể thấy thị trường xi-măng đang ở trạng thái cân bằng, khó xảy ra tình trạng thiếu. Hơn nữa, sức sản xuất của ngành xi-măng rất cao, thậm chí nhiều dây chuyền sản xuất vượt công suất thiết kế 20%, vì vậy nếu có cầu vẫn có thể tăng thêm năng suất.
Tiếp tục những giải pháp đồng bộ
Ngành xi-măng hiện vẫn đang là một trong số ngành công nghiệp tiêu thụ năng lượng lớn. Áp lực về chi phí năng lượng đều được các đơn vị tính toán kỹ nhưng vẫn đè nặng lên quá trình sản xuất, kinh doanh. Dự kiến năm 2019, giá một số nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào như: than, điện... sẽ tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành, hiệu quả của các nhà máy xi-măng. Do đó, việc tìm kiếm những giải pháp tiết kiệm chi phí năng lượng rất cấp bách nhằm bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững. Bên cạnh đó, thị trường bất động sản và các dự án đầu tư công triển khai chậm cũng là những yếu tố cần tính toán trong việc hoạch định chiến lược phát triển của ngành xi-măng.
Tổng Giám đốc VICEM Bùi Hồng Minh phân tích, thách thức trong thời gian tới là khá lớn. Khả năng tăng trưởng của các dây chuyền sản xuất của VICEM đã cạn khi tăng hơn 10% so với công suất thiết kế, chi phí năng lượng chắc chắn sẽ tăng cao, tác động đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Tổng công ty xác định, phải có nhiều giải pháp đồng bộ mới có thể bảo đảm tăng trưởng. Cụ thể, tiếp tục rà soát nhằm giảm chi phí, nhất là chi phí năng lượng, bảo đảm hiệu suất các dây chuyền hiện tại, nâng cao năng suất lao động, đầu tư mở rộng năng lực sản xuất. Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường, từng bước tiến tới đạt tiêu chuẩn môi trường châu Âu từ khu vực sản xuất đến khu vực chung quanh nhà máy, bắt buộc đến ngày 31-3-2019, các dây chuyền sản xuất sẽ phải lắp đặt hệ thống quan trắc, giám sát trực tuyến. Tăng cường sử dụng tro, xỉ nhà máy nhiệt điện vào sản xuất xi-măng theo đúng cơ chế thị trường, triển khai tốt chương trình tiết kiệm tài nguyên, năng lượng thông qua thử nghiệm đốt rác thải cho các lò nung. Đồng thời, tiếp tục đổi mới mô hình quản trị, tái cơ cấu theo hướng Tổng công ty chỉ hỗ trợ, giao mục tiêu, giám sát, tăng cường phối hợp chứ không can thiệp trực tiếp vào công việc của các đơn vị thành viên, thoái vốn tại những đơn vị không hiệu quả, giá trị gia tăng không lớn như: vận tải, bao bì. Riêng đối với vấn đề xuất khẩu, VICEM kiên định quan điểm phấn đấu xuất khẩu chủ yếu là xi-măng, hạn chế xuất khẩu clanh-ke nhằm tăng cường hiệu quả tối ưu.
Chủ tịch Hiệp hội Xi-măng Việt Nam Nguyễn Quang Cung cho rằng, xét về lâu dài, các doanh nghiệp xi-măng cần tiếp tục căn chỉnh, chủ động những kịch bản thích hợp, ứng phó với những biến động của thị trường. Trước mắt là khó khăn ở tình hình cung ứng than, giá điện khả năng tăng. Bên cạnh đó, thị trường nhập khẩu lớn nhất của xi-măng Việt Nam là Phi-li-pin đang điều tra, có thể áp dụng biện pháp tự vệ, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh, điều tiết trong tiêu thụ.
Về phía Bộ Xây dựng, Bộ sẽ sát cánh cùng ngành xi-măng trong việc tổ chức triển khai Đề án Chiến lược phát triển công nghiệp xi-măng Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 sau khi được phê duyệt, trong đó ưu tiên phát triển những dây chuyền công suất lớn (khoảng 5.000 tấn/ngày) nhằm phát huy tối đa hiệu quả của nhà máy. Với đà tăng trưởng của nền kinh tế, hy vọng thời gian tới, các công trình, dự án sẽ đẩy mạnh triển khai, kéo theo thị trường xi-măng phát triển ổn định hơn.
Theo Nhân dân điện tử