Tham vọng từ du lịch
Cách TP Cần Thơ chừng 5 phút đi canô, cồn Ấu hoang vu thuở nào, nay đã trở thành khu resort Azerai Cần Thơ sang trọng, với những căn nhà thiết kế kiểu châu Âu xen lẫn trong vòm cây cổ thụ.
Tháng 6 năm ngoái, Novaland khai trương khu du lịch này để bổ sung thêm sản phẩm cho miền sông nước, thuộc chuỗi du lịch, nghỉ dưỡng “Nova phù sa”. Bước đầu quần thể này gồm 30 bungalow 2 phòng ngủ và 45 căn biệt thự, giá thuê rẻ nhất không dưới 6 triệu đồng/đêm, nhưng vẫn không đủ để phục vụ du khách thích thiên nhiên và yên tĩnh của ốc đảo.
Tại đại hội cổ đông mới đây, Novaland đã giải trình về định hướng hoạt động, ngoài phát triển dự án tại TPHCM thì tiếp tục đầu tư sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp ở các tỉnh Nam Trung bộ. Với quỹ đất hơn 2.000ha, năm 2019, Novaland dự trù chi đầu tư cho các dự án bất động sản mới khoảng 6.000 tỷ đồng, phần lớn là dự án nghỉ dưỡng: Novahills Mũi Né, Novabeach Cam Ranh, NovaWorld Bình Châu.
Tương tự, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) cũng quyết định chuyển hướng đầu tư ra vùng biển Quy Nhơn ở tỉnh Bình Định. Công bố thông tin mới đây cho thấy, PDR đã huy động vốn từ Vietnam New Urban Center LP để tài trợ cho dự án đầu tư khu thương mại và văn phòng thuộc phân khu số 4 của Khu đô thị Du lịch sinh thái Nhơn Hội, tỉnh Bình Định.
“Đất dự án có diện tích 15,7ha, gồm khu khách sạn, căn hộ và căn hộ văn phòng, đầu tư ngay trong năm nay với mục đích phát triển thành khu đô thị du lịch phục vụ nhu cầu lưu trú, ăn uống và giải trí cho du khách, giúp phát huy thế mạnh tiềm năng của địa phương, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Văn Đạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị PDR, cho hay.
Một khu đất khác cũng thuộc về công ty này là dự án đầu tư phát triển đô thị tại phân khu số 2 với diện tích 36,1ha, cũng thuộc Khu đô thị Du lịch sinh thái Nhơn Hội. Hiện PDR sở hữu 120ha đất tại tỉnh Bình Định.
Hòa nhập trong làn sóng tìm kiếm cơ hội đầu tư tại các tỉnh thành khác, Công ty CP Địa ốc Hưng Thịnh cũng “tung quân” săn đón dự án khắp nơi, làm phân phối và đầu tư tại tỉnh Vĩnh Long, Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Định; trong đó có việc nhận chuyển nhượng lại quỹ đất tại TP Quy Nhơn từ VIC để tiếp tục triển khai dự án…
Cơ hội và thách thức
“Làn sóng doanh nghiệp bất động sản có trụ sở tại TPHCM đổ bộ đầu tư sang các tỉnh thành khác đang trở thành xu hướng tìm lối đi mới trong kinh doanh và đóng góp vào sự phát triển cho các địa phương, bộ mặt đô thị sẽ thay đổi”, ông Nguyễn Xuân Quang, Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, chia sẻ ở góc nhìn tích cực.
Một lợi thế khá lớn khi đầu tư bất động sản ở các tỉnh, đó là sự tập trung về pháp lý cho việc phát triển dự án. Ông Nguyễn Văn Đạt cho biết, trước khi được giao đất, tỉnh Bình Định đã tiến hành tổ chức đấu giá khu đất tại Khu kinh tế Nhơn Hội theo đúng quy định của pháp luật. Tham dự phiên đấu giá có 4 doanh nghiệp và kết quả nhanh chóng ngã ngũ thuộc về doanh nghiệp trả giá tốt nhất, thủ tục vì thế cũng sớm được hoàn tất.
Hơn nữa, nhu cầu nhà ở tại các thành phố thuộc các tỉnh lẻ tuy có tiềm năng nhưng còn bỏ ngỏ vì giải pháp phát triển đô thị khá chậm. Ví như, sức hấp thụ mạnh mẽ ở dự án Bàu Cả thuộc TP Quảng Ngãi, khi PRD đầu tư và 90% số lượng sản phẩm được tiêu thụ sau 2 tháng mở bán.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty CP Địa ốc Hưng Thịnh, nhận xét: “Các tỉnh thu hút nhà đầu tư còn ít nên việc tập trung giải quyết hồ sơ cho doanh nghiệp nhanh hơn. Tuy nhiên, đầu tư ở đây nhiều cơ hội nhưng thách thức cũng không ít. Trong đó có vấn đề quy mô thị trường còn nhỏ nên doanh nghiệp bất động sản chỉ đầu tư những dự án liền kề khu dân cư hiện hữu để đảm bảo tính thanh khoản”.
Theo Sài Gòn giải phóng