Đó là nhận định của ông Nguyễn Trần Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, nêu lên tại Hội thảo Chiến lược gia tăng giá trị bất động sản do The Leader tổ chức ngày 13/12/2018 tại TP.HCM.
Ông Nam giải thích cho nhận định của mình, đó là do nhu cầu vẫn còn rất lớn về nhiều loại hình bất động sản, như nhà ở, khu công nghiệp, trung tâm thương mại, văn phòng, khu nghỉ dưỡng...
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), bên cạnh nguồn lực nội tại (khoảng 350.000 tỷ đồng/năm), cùng với chính sách mở cửa, Việt Nam đã thu hút được nguồn vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài (FDI) khá lớn trong lĩnh vực xây dựng và bất động sản.
Trong 11 tháng đầu năm 2018, lĩnh vực hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ hai về thu hút vốn FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 6,5 tỷ USD, chiếm 21,3% tổng vốn đầu tư đăng ký; lũy kế từ trước đến nay là 57,9 tỷ USD, tương đương gần 17,1% tổng vốn đầu tư.
Dự báo xu hướng thị trường trong thời gian tới, theo các chuyên gia, nhiều nhà đầu tư sẽ phát triển tập trung đối với lĩnh vực nhà ở vừa túi tiền, nhà ở xã hội, do đây là phân khúc nhu cầu thực rất lớn mà hiện nay thị trường vẫn chưa đáp ứng đủ. Đồng thời, dòng sản phẩm này tính thanh khoản rất tốt.
Đây cũng là các phân khúc có nhiều tiềm năng để nhà đầu tư nước ngoài liên doanh, liên kết với doanh nghiệp trong nước hoặc đầu tư phát triển dự án độc lập.
Riêng đối với phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng đã có tín hiệu tích cực khi Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan khẩn trương ban hành theo thẩm quyền các văn bản, quy chuẩn, quy định quản lý vận hành, chế độ sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà... hứa hẹn sẽ là mảnh đất màu mỡ để nhà đầu tư trong và ngoài nước đặt chân vào.
Theo Thời báo ngân hàng